Lượt xem: 2217
Quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa
Trong những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn gay gắt, nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất ngày càng khan hiếm, đặc biệt là những cây trồng cần nhiều nước như cây lúa thì sản xuất ngày càng khó khăn, do đó nhu cầu chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn là rất lớn.
    Nhận thấy được điều đó, để đảm bảo sinh kế cho người dân, Chính phủ đã ban hành văn bản quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Cụ thể Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 về Quản lý, sử dụng đất trồng lúa quy định điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản; Nghị định 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 về Sửa  đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa quy định điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Hiện nay quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại hai Nghị định trên đã hết hiệu lực và nội dung này được thực hiện theo Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14 ngày 19/11/2018 quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu. Hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi. Bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có, phù hợp với quy hoạch và định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương. Không làm mất đi điều kiện để trồng lúa trở lại.
    Để hướng dẫn cụ thể, ngày 13/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 94/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác trong đó nêu rõ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phải theo kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của cấp có thẩm quyền phê duyệt. Không làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại, không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hoá đất trồng lúa, không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thuỷ lợi phục vụ trồng lúa. Trường hợp chuyển trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản, được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thuỷ sản với độ sâu không quá 120 cen-ti-mét so với mặt ruộng.
    Như vậy so với quy định tại Nghị định 35/2015/NĐ-CP, người dân chỉ được chuyển đổi sang trồng cây hàng năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản thì Nghị định 94/2019/NĐ-CP mở rộng ra cho phép chuyển sang trồng cây lâu năm trên đất trồng lúa. Đất trồng lúa sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy định vẫn được thống kê là đất trồng lúa. Đặc biệt khi có yêu cầu người dân đã chuyển đổi phải tuân thủ thực hiện trồng lúa trở lại.
    Thủ tục hành chính chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được áp dụng tại cấp xã theo Quyết định 564/QĐ-UBND ngày 4/3/2020 của UBND tỉnh Sóc Trăng. Tổ chức hoặc cá nhân có nhu cầu chuyển đổi nộp bản đăng ký chuyển đổi đến Uỷ ban nhân dân cấp xã theo mẫu 04.CĐ phụ lục X kèm theo Nghị định 94/2019/NĐ-CP.
    Để việc chuyển đổi được đúng quy định và mang lại hiệu quả tránh tình trạng nông dân tự phát chuyển đổi không theo quy hoạch kế hoạch;hàng năm chính quyền cấp xã cần có rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch vùng trồng các loại cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương đồng thời hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị sản xuất. Địa phương cần thực hiện thường xuyên công tác thông tin tuyền truyền các quy định của Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, niêm yết công khai tại Uỷ ban cấp xã kế hoạch chuyển đổi của xã, thủ tục hành chính về chuyển đổi, bản đăng ký chuyển đổi để người dân biết và thực hiện.
Vương Bích Vân - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1331718