Lượt xem: 1742
HỘI NGHỊ TỔNG KẾT 4 NĂM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH SÓC TRĂNG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021-2025
    Sáng ngày 16/4/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Đến dự và chủ trì Hội nghị có bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT). Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo các Sở, ban ngành tỉnh; Lãnh đạo Thành ủy, Thị ủy, Huyện ủy, Uỷ ban nhân dân (UBND), Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế) các huyện, thị xã, thành phố; các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tiêu biểu trên địa bàn tỉnh và lãnh đạo các phòng chức năng, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT.

   Sau 04 năm thực hiện Đề án số 04/ĐA-UBND ngày 25/6/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tỉnh đã tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp...tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: (1) Sản lượng lúa đạt trên 2 triệu tấn/năm (trong đó sản lượng lúa đặc sản chiếm 52,1%); (2) Tổng sản lượng thủy sản đạt 317.180 tấn (trong đó khai thác biển đạt 61.588 tấn); (3) Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 01 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản ước đạt trên 185 triệu đồng/ha/năm; (4) Về xây dựng nông thôn mới: Có 62,5% (50/80 xã) số xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã Ngã Năm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Mỹ Xuyên đạt chuẩn huyện nông thôn mới; (5) Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99%.

    Theo báo cáo, bên cạnh những thành công, kết quả đạt được, Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định như: Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, nông nghiệp sản xuất còn phân tán,  mối liên kết trong sản xuất chưa chặt, chưa thu hút doanh nghiệp đầu tư ở nông thôn; tổ chức lại sản xuất chậm đổi mới, giá cả nông sản thường xuyên có nhiều biến động, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn diễn ra, việc xây dựng các nhãn hiệu, thương hiệu đối với các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thủy sản chủ lực của địa phương còn hạn chế…
    Tại hội nghị, bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thống nhất và đánh giá cao kết quả thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của hàng hoá nông sản; từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp và quan trọng nhất là đã nâng cao thu nhập cho nông dân, đồng thời cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế của ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Để triển khai có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong giai đoạn tiếp theo, bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chỉ đạo:
    Một là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung của Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.
    Hai là, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành theo hướng tái cơ cấu ngành và việc tái cơ cấu phải gắn với lợi thế từng vùng, đơn vị. Xác định lại sản phẩm nông nghiệp chủ lực (cây, con) để có hướng tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển.
    Ba là, thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, phương thức sản xuất; quy hoạch phát triển các loại cây, con phù hợp với điều kiện từng vùng thích ứng với biến đổi khí hậu; áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ để tăng năng suất, chất lượng hàng nông sản. Triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án chuyển đổi sản xuất, Chương trình OCOP, hình thành vùng nguyên liệu tập trung có quy mô lớn, có tổ chức liên kết, tiêu thụ, xây dựng chuỗi giá trị từng loại ngành hàng sản xuất.
    Bốn là, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu  nhất là sản phẩm lúa ST24, ST25. Xây dựng được mã vùng nuôi thuỷ sản trong năm 2021, góp phần phát triển bền vững thuỷ sản của tỉnh.
    Năm là, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vào toàn bộ các khâu trong chuỗi giá trị.
    Sáu là, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho hợp tác xã, tổ hợp tác.
    Bảy là, chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn gắn với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp, hợp tác xã, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.
    Tám là, đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại ở nông thôn, từng bước hình thành liên kết vùng trong sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại với quy mô sản xuất hàng hoá lớn, hội nhập, phát triển.
    Chín là, các đơn vị tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường phối hợp để xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
    Kết thúc hội nghị, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp thu ý kiến chỉ đạo của bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành và địa phương xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 trình UBND tỉnh./.

Cao Hoàng Kha - Phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1331579