Tình hình dịch hại trên lúa tỉnh Sóc Trăng (Từ ngày 23/11/2022 đến 29/11/2022) và dự báo dịch hại tuần tới
1. Tình hình sản xuất
- Vụ Đông Xuân 2022-2023: Xuống giống 93.567 ha, đạt 55% KH, tăng 7.432 ha so với tuần trước, tiến độ xuống giống chậm hơn 6% (bằng 6.438 ha) so với CKNN, đã thu hoạch 31 ha, năng suất trung bình 41 tạ/ha, sản lượng 127,3 tấn trên giống RVT của huyện Châu Thành. Hiện nay trạm bơm các xã của huyện Ngã Năm và Mỹ Tú đang tiến hành bơm nước để chuẩn bị cho công tác xuống giống.
- Vụ Mùa 2022-2023: xuống giống được 10.942 ha/KH 11.000 ha, đạt 99,5% KH, cao hơn so cùng kỳ năm trước (bằng 135 ha), đã thu hoạch 3.028 ha tăng 321 ha so với tuần trước, ước năng suất đạt 518 tạ/ha sản lượng 15.700 tấn. Các giống gieo trồng chủ yếu Tài Nguyên, ST, Đài Thơm 8, OM4900.
2. Tình hình dịch hại trong tuần
- Tổng diện tích nhiễm dịch hại trên trà lúa Đông Xuân 2022-2023 là 4.209 ha (giảm 102 so với tuần trước), trong đó một số đối tượng dịch hại như muỗi hành, rầy nâu, lem lép hạt, đạo ôn cổ bông gia tăng diện tích nhiễm nguyên nhân do trong tuần thời tiết âm u, trời se lạnh, ẩm độ không khí cao thuận lợi cho sâu bệnh hại phát triển. Hầu hết các đối tượng dịch hại xuất hiện với mức độ nhiễm nhẹ - trung bình, riêng bệnh đạo ôn lá nhiễm nặng 8 ha và đạo ôn cổ bông 3 ha tại xã Đại Hải, huyện Kế Sách. Ghi nhận trên đồng rầy nâu phổ biến tuổi 3 - 4 nhiễm nhẹ trên trà lúa giai đoạn đòng của huyện Thạnh Trị (85 ha), Trần Đề (17 ha), Châu Thành (20 ha).
- Đối với trà lúa Mùa, diện tích nhiễm dịch hại là 184 ha (tăng 53 ha so với tuần trước), chủ yếu trên đối tượng sâu cuốn lá nhỏ, chuột, đạo ôn lá, cháy bìa lá ở trà lúa giai đoạn đẻ nhánh – đòng của huyện Mỹ Xuyên.
3. Dự báo dịch hại trong tuần tới
- Qua kết quả điều tra ngoài đồng, rầy nâu đang có hiện tượng gối lứa, trong đó phổ biến tuổi 3 – 4. Dự báo trong thời gian tới nếu gặp thời tiết thuận lợi rầy nâu tăng diện tích nhiễm ở mức độ nhẹ đến trung bình, đặc biệt chú ý trên trà lúa giai đoạn trổ-chín. Khuyến cáo nông dân tiếp tục theo dõi rầy nâu trên đồng và tình hình rầy nâu di trú để có biện pháp quản lý hiệu quả. Riêng đối với sâu cuốn lá gây hại phổ biến ở mức nhẹ - trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh – đòng, dự báo trong thời gian tới có khả năng tiếp tục gây hại nhất là trên những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm và phun thuốc trừ sâu sớm giai đoạn đầu có khả năng bị gây hại nặng ở thời điểm cuối vụ.
- Trong điều kiện thời tiết ẩm độ không khí cao, sáng sớm có sương mù cần theo dõi tình hình bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá có khả năng gây hại trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng đặc biệt trên các ruộng gieo sạ dày và bón thừa phân đạm. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông cần phun ngừa vào 2 thời điểm khi lúa trổ lác đác và lúa trổ đều.
- Với điều kiện thời tiết như hiện nay thì đối tượng muỗi hành đang có xu hướng phát sinh, phát triển. Dự báo trong thời gian tới diện tích nhiễm muỗi hành sẽ tiếp tục tăng khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi như nhiệt độ thấp, ẩm độ không khí cao, sử dụng giống nhiễm, bón thừa phân đạm và nếu không được phát hiện và quản lý kịp thời có khả năng sẽ gây hại nặng làm ảnh hưởng đến năng suất lúa
- Ngoài ra cần quan tâm các đối tượng như chuột, sâu đục thân, rầy phấn trắng trên trà lúa đẻ nhánh - đòng và lem lép hạt, trên trà lúa giai đoạn trổ.
4. Công tác quản lý, chỉ đạo trong thời gian tới
Thực hiện nghiêm các công văn chỉ đạo của cấp trên ở các lĩnh vực mà đơn vị quản lý, theo dõi.
Tiếp tục chỉ đạo các trạm tăng cường công tác theo dõi tình hình sản xuất và dịch hại ngoài đồng trên trà lúa Đông Xuân 2022-2023, Mùa 2022 và để có biện pháp quản lý hiệu quả đồng thời theo dõi tình hình rầy nâu di trú vào bẫy đèn và báo cáo hàng ngày.
Tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết mưa bão ảnh hưởng đến cây trồng.