Lượt xem: 2965
Hiệu quả mô hình “3 Cây – 1 Con” trên vùng đất trũng
29/04/2021
Vừa qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) đã tổ chức hội
thảo mô hình Canh tác lúa đặc sản kết hợp nuôi cá đồng và trồng cây ăn
trái tại ấp Tân Hòa A, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú. Tham dự hội thảo có
ông Nguyễn Thành Phước - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, đại
diện Trạm Trồng trọt và BVTV, trạm Khuyến nông huyện, lãnh đạo UBND xã
Long Hưng cùng với hơn 20 nông dân trong vùng đến tham quan và học tập
để nhân rộng mô hình.
Mô hình do đề án Phát triển sản xuất lúa đặc sản giai đoạn 2016-2020 hỗ trợ thực hiện với quy mô 5 ha/ 2 hộ tham gia, được xây dựng dựa trên lợi thế phát huy về đặc điểm tự nhiên vùng trũng của huyện Mỹ Tú, có nguồn cá đồng tự nhiên và bờ bao xung quanh để trồng cây ăn trái, do đó nông dân hay gọi là mô hình 3 Cây – 1 Con, trong đó 3 Cây là lúa, dừa và chanh không hạt; 1 Con là các loại cá đồng tự nhiên. Trong mùa nước nông dân trữ cá lại trong ao, đến khi thu hoạch lúa Đông Xuân sẽ cho cá vào ruộng để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong ruộng lúa. Ngoài ra nông dân còn tận dụng mặt ao để trồng thêm bông súng, sen. Trên bờ bao trồng các loại cây ăn trái thích hợp với điều kiện đất phèn của vùng và thị trường đang ưa chuộng như: dừa, chanh không hạt, cam không hạt, mãng cầu,… Với mục tiêu từng bước thay đổi tập quán canh tác lúa theo hướng hữu cơ, an toàn, bền vững, cải thiện môi trường sinh thái. Đề án hỗ trợ mô hình phân bón hữu cơ với liều lượng 600 kg/ha, 2 lần phun chế phẩm nấm xanh trừ sâu rầy. Giống lúa được chọn gieo trồng là giống ST24, một trong những giống lúa đặc sản của tỉnh.
Qua báo cáo kết quả thực hiện mô hình cho thấy, trên cây lúa giảm lượng giống gieo sạ từ 50 kg/ha, giảm được phân hóa học trung bình 310 kg/ha, giảm 3 lần thuốc trừ sâu từ đó giảm được chi phí sản xuất trung bình 2 – 3 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng 3,5 -4,5 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống. Tăng nguồn thu nhập từ cá đồng (30 triệu/ha), bông súng (4.000 – 5.000 đồng/kg, thu hoạch quanh năm), sen (60 triệu đồng/ha); chưa có nguồn thu từ cây ăn trái do mới trồng. Mô hình liên kết với tập đoàn Lộc Trời thu mua lúa với giá 6.400 đồng/kg lúa, cao hơn 200 đồng/kg so với giá bán ngoài thị trường. Thu nhập cao hơn so với chỉ trồng chuyên cây lúa hoặc chuyên cây tràm như trước đây. Mô hình đa dạng hóa sản phẩm (lúa, cây ăn trái, bông súng, sen, cá), tăng thu nhập gia đình, giảm rủi ro khi gặp thiên tai, tác động giá cả thị trường so với trước đây chỉ canh tác lúa. Mô hình mang tính chất bền vững do sử dụng phân hữu cơ giúp giảm lượng phân hóa học, sử dụng nấm xanh giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng, tạo ra sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường cao cấp.
Sau khi tham quan và được nghe báo cáo kết quả mô hình, nông dân trong vùng vô cùng phấn khởi khi được chứng kiến hiệu quả mà mô hình mang lại và mong muốn được hỗ trợ để thực hiện mô hình. Phát biểu tại buổi hội thảo khi được hỏi có tiếp tục duy trì thực hiện mô hình ở vụ sau không, ông Nguyễn Văn Dân – chủ ruộng khẳng định chắc nịch rằng sẽ tiếp tục duy trì mô hình vì ông thấy được nhiều lợi ích từ sức khỏe đến môi trường khi tham gia mô hình. Đặc biệt ông tâm đắc nhất với chế phẩm nấm xanh trừ sâu rầy vì nhờ phun nấm xanh mà ông giảm được số lần phun thuốc sâu, đồng thời còn hạn chế được muỗi hành gây hại lúa.
Trong phần thảo luận, một trong những vấn đề được nông dân băn khoăn nhiều nhất khi thực hiện mô hình chính là sản xuất theo hướng an toàn nhưng sản phẩm làm ra vẫn không bán được giá cao hơn so với sản phẩm sản xuất theo truyền thống. Vấn đề này đã được ông Nguyễn Thành Phước - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV giải thích cặn kẽ do mô hình chỉ bước đầu thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ, đây là nền tảng đi lên sản xuất hữu cơ. Trong quá trình chuyển đổi phương thức sản xuất để đi đến chứng nhận, cần thành lập hợp tác xã để tổ chức sản xuất và xây dựng nhãn hiệu tiến tới phát triển thương hiệu cho các sản phẩm hữu cơ trong vùng. Hợp tác xã đại diện cho người dân đứng ra ký kết hợp đồng liên kết với doanh nghiệp thì giá sản phẩm sẽ không còn phụ thuộc nhiều vào thị trường, đảm bảo lợi nhuận từ 15-30% so với sản xuất truyền thống. Ông hy vọng mô hình sẽ được quan tâm nhân rộng để hình thành vùng sản xuất lúa – cá – cây ăn trái đặc trưng của huyện tiến tới xây dựng vùng sản xuất hữu cơ gắn với du lịch sinh thái, ẩm thực đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân.
Vương Bích Vân - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng