Lượt xem: 346
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ HƯỚNG TỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI THÔNG MINH
11/08/2022
Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 – 2025 (viết tắt là Chương trình chuyển đổi số) là một trong sáu Chương trình chuyên đề được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 924/QĐ-TTg, ngày 02/8/2022 nhằm đưa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (viết tắt là Chương trình nông thôn mới) đi vào chiều sâu, toàn diện và mang tính bền vững.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể mà Quốc hội khóa XV đề ra tại Nghị quyết 25/2021/QH15 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình nông thôn mới, Quyết định 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh của Bộ Thông tin và Truyền thông; hoặc thí điểm mô hình làng thông minh của một số địa phương như tỉnh Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, Hà Tĩnh…Chương trình chuyển đổi số vừa được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký ban hành, sẽ được triển khai ở khu vực nông thôn của cả nước (bao gồm cả các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các huyện nghèo). Chương trình được triển khai một cách chủ động, linh hoạt với 03 trụ cột:
(1) Với nhiệm vụ phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới, Chương trình chuyển đổi số phấn đấu đến năm 2025, Chương trình nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp trung ương, cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Ít nhất 97% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Đối với Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông, 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 15.2 của Tiêu chí số 15 về Hành chính công. Về đơn vị cấp huyện, có ít nhất 60% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; 25% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 6.5 của Tiêu chí số 6 về Kinh tế, 25% đạt chỉ tiêu 9.2 của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số.
(2) Chương trình phấn đấu phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn. Cụ thể, ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.
(3) Xã hội số trong xây dựng nông thôn mới: Chương trình Chuyển đổi số phấn đấu có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến. Phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hoá…), làm cơ sở để tổng kết và đề xuất Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026 - 2030.
Để đạt được mục tiêu thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn, Chương trình chuyển đổi số đặt ra một số nhiệm vụ chủ yếu như: Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số; Đẩy mạnh quá trình số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp nông thôn, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn; Tăng cường ứng dụng trực tuyến, công nghệ thực tế ảo trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời, tập trung phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới; Hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số đầu tư, phát triển và cung cấp dịch vụ trực tuyến về y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn ở các địa phương; Tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ số và kỹ năng an toàn, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế số, giáo dục số, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số trên internet…
Chương trình chuyển đổi số là nội dung mới trong Chương trình nông thôn mới, là giải pháp công nghệ trong xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và bền vững của tiêu chí./.
Nguyễn Thị Thanh Tâm - Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng