Lượt xem: 2206
Các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng vi rút Cúm gia cầm thể độc lực cao khác lây lan diện rộng
Theo thông tin của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), từ đầu năm 2014 đến nay, chủng vi rút Cúm gia cầm thể độc lực cao A/H5N8 đã xuất hiện, gây bệnh trên gia cầm, sau đó lây lan nhanh, ở phạm vi rộng và gây ra dịch bệnh trên gia cầm nuôi. Tính đến tháng 6/2021 đã có tổng cộng 64 quốc gia, vùng lãnh thổ báo cáo phát hiện chủng vi rút này. Và ở Việt Nam, các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y báo cáo: từ đầu tháng 6-2021 đến nay đã phát hiện chủng vi rút CGC A/H5N8 tại 03 tỉnh: Hòa Bình, Cao Bằng và Quảng Ninh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định trong thời gian tới, nguy cơ dịch Cúm gia cầm A/H5N8 lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao.
         Để chủ động ngăn chặn vi rút Cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng vi rút Cúm gia cầm thể độc lực cao khác, Trung ương đã có các văn bản chỉ đạo cụ thể cho địa phương các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng vi rút Cúm gia cầm thể độc lực cao khác lây lan diện rộng gồm:
         + Công văn số 879/TY-DT ngày 28/5/2021 của Cục Thú y về việc chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm chủng vi rút cúm gia cầm  A/H5N8.
         + Công điện khẩn số 4154/CĐ-BNN-TY ngày 02/7/2021 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng vi rút Cúm gia cầm thể độc lực cao khác lây lan diện rộng.
         Nhằm chủ động ngăn chặn nguy cơ chủng vi rút Cúm gia cầm A/H5N8 xâm nhiễm từ bên ngoài vào và cụ thể hoá các biện pháp phòng ngừa nguy cơ xâm nhiễm chủ vi rút cúm gia cầm  A/H5N8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã ban hành văn bản chỉ đạo đơn vị chuyên môn và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm chủng vi rút Cúm gia cầm A/H5N8 bao gồm:
         Đối với Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch; tăng cường giám sát, phát hiện sớm bệnh Cúm gia cầm A/H5N8 để xử lý triệt để không để lây lan diện rộng. Chuẩn bị vật tư hóa chất sát trùng để cung ứng kịp thời phục vụ công tác triển khai vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Tổ chức rà soát, tiêm phòng bổ sung vắc xin Cúm gia cầm cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng, bảo đảm đạt tỷ lệ 80% tổng đàn. Chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã, thành phố:
         + Tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, mua bán động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ; đặc biệt là các chợ mua bán gia cầm sống thực hiện nghiêm việc kiểm dịch gốc; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
         + Xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát chủ động, lấy mẫu của gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh Cúm gia cầm, gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao (các điểm, cơ sở buôn bán, tập kết gia cầm, cơ sở giết mổ, cơ sở tiêu hủy gia cầm,...) và gửi phòng xét nghiệm để xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh.
         + Trường hợp phát hiện gia cầm có kết quả dương tính với vi rút cúm A/H5N8, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh do các chủng vi rút cúm A/H5, cần xử lý tiêu hủy gia cầm và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời tổ chức điều tra xác định nguyên nhân, nguồn lây nhiễm để xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
         + Tổ chức thông tin, tuyên truyền cho người chăn nuôi hiểu rõ về sự nguy hiểm của chủng vi rút Cúm gia cầm A/H5N8 để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống, ngăn chặn nguy cơ vi rút cúm A/H5N8 xâm nhiễm vào tỉnh.
         + Hướng dẫn người chăn nuôi gia cầm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc; tiêm vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm đầy đủ cho đàn gia cầm.
         Đối với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố: Phân công cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp với cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các loại dịch bệnh nguy hiểm để xử lý triệt để không để lây lan diện rộng. Phối hợp với các cơ quan liên quan, đài truyền thanh huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát đàn gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo cơ quan thú y và chính quyền địa phương.
         Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; tổng hợp tình hình và báo cáo kết quả triển khai thực hiện.
Mai Trương Hồng Hạnh - Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1330750