Lượt xem: 896
KINH DOANH PHÂN BÓN - THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT, MỘT SỐ QUY ĐỊNH NGƯỜI DÂN CẦN BIẾT
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có trên 800 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, với hàng ngàn mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được bày bán trên thị trường. Đây là các mặt hàng ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất nông nghiêp (cây trồng, rau màu), vì vậy có những quy định của pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh mặt hàng này. Bài viết dưới đây là tổng hợp các quy định cơ bản mà người dân cần biết khi tiến hành hoạt động kinh doanh.

1. Đối với phân bón:

    Thực hiện theo Luật Trồng trọt năm 2018, Nghị định 84/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019, theo đó:

    Cơ sở sản xuất phân bón phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón. Giấy chứng đủ điều kiện sản xuất phân bón có thời hạn là 05 năm, khi hết hạn làm thủ tục cấp lại.

    Cơ sở kinh doanh phân bón phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón. Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón không có thời hạn.

    Phân bón trước khi đưa vào lưu thông phải được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, Quyết định công nhận phân bón lưu hành có thời hạn 05 năm và được gia hạn. Mỗi phân bón được công nhận lưu hành đều được gắn kèm mã số gọi là mã số phân bón, mã số này được nhà sản xuất in trên bao bì phân bón.

    Như vậy, nếu muốn kinh doanh phân bón, ngoài việc đăng ký ngành nghề kinh doanh phân bón chủ cơ sở còn phải làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện mua bán phân bón, đồng thời chỉ được mua bán các loại phân bón đã có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.

    Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng cơ sở dữ liệu phân bón, do vậy người dùng có thể tra cứu phân bón trên Website của Cục Bảo vệ thực vật theo đường link http://113.190.254.147/PhanBon/en, khi mở cửa sổ dữ liệu phân bón có thể tìm phân bón theo mã số hoặc theo số Quyết định công nhận phân bón lưu hành.

2. Đối với thuốc bảo vệ thực vật:

    Thực hiện theo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013, Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT ngày 08/6/2015, theo đó:

    - Cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật. Giấy chứng đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có thời hạn là 05 năm, khi hết hạn làm thủ tục cấp lại.

    - Cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật. Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có thời hạn 05 năm, khi hết hạn làm thủ tục cấp lại.

    - Quy định về kho thuốc bảo vệ thực vật của cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật

    a) Cách xa nguồn nước (sông, hồ, kênh, rạch) ít nhất khoảng 20 mét (m) và phải được gia cố bờ kè chắc chắn, chống chảy tràn. Phải khô ráo, thoáng gió, không thấm, dột hoặc ngập úng, đảm bảo phòng chống cháy nổ;

    b) Tường và mái của nơi chứa phải xây dựng bằng vật liệu không bén lửa. Tường và nền phải bằng phẳng, chống thấm, dễ lau chùi, không bị ngập;

    c) Phải được đảm bảo đủ độ sáng để nhận diện hàng hóa. Thiết bị chiếu sáng đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ;

    d) Hàng hóa được kê trên kệ kê hàng cao ít nhất 10 cen-ti-mét (cm), cách tường ít nhất 20 cen-ti-mét (cm); phải được bảo quản trong bao gói kín, hạn chế phát tán mùi ra xung quanh;

    đ) Việc sắp xếp hàng hóa phải đảm bảo không gây đổ vỡ, rò rỉ, có lối vào đủ rộng tối thiểu cho một người đi lại và riêng biệt từng loại;

    e) Có nội quy và trang thiết bị phòng cháy và chữa cháy theo yêu cầu của cơ quan phòng cháy, chữa cháy để ở nơi thuận tiện, sẵn sàng sử dụng khi cần thiết;

    g) Có bảo hộ lao động bảo vệ cá nhân như găng tay, khẩu trang, nước sạch, xà phòng;

    h) Có vật liệu, dụng cụ để xử lý kịp thời sự cố.

    - Thuốc bảo vệ thực vật được quản lý theo danh mục. Hàng năm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam. Tổ chức/cá nhân sản xuất thuốc bảo vệ thực vật làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc, nếu được chấp thuận, thuốc này sẽ được cấp giấy và đưa vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tại Việt Nam. Giấy chứng nhận đăng ký thuốc có thời hạn 05 năm, hết hạn làm thủ tục gia hạn.

    Như vậy, nếu muốn kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, ngoài việc đăng ký ngành nghề kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, cơ sở còn phải làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện mua bán thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời chỉ được mua bán các loại thuốc bảo vệ thực vật có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

    Để tra cứu thuốc bảo vệ thực vật, người dùng cần tải về Thông tư ban hành danh mục trên Website của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Bảo vệ thực vật (địa chỉ: http://ppd.gov.vn) hoặc tải App "Thuốc bảo vệ thực vật" từ CH Play hay App Store về cài đặt trên điện thoại thông minh.

    Thông tư ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam đang có hiệu lực là Thông tư 09/2023/TT-BNNPTNT ngày 24 tháng 10 năm 2023, người dùng có thể tải về để xem theo đường link: https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=208879

Trần Phùng Hoàng Quân- Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1478131