Lượt xem: 185
Giải pháp nâng cao chất lượng chỉ số cải cách hành chính của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng
         Xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của đơn vị, là công cụ theo dõi, đánh giá kết quả, tác động của quá trình triển khai cải cách hành chính tới việc cải thiện chất lượng hoạt động, phục vụ của đơn vị, tới lợi ích của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Đồng thời qua đó, cũng khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt của cơ quan trong thực hiện cải cách hành chính nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân, dân chủ, chuyên nghiệp.
         Hai năm qua, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện cải cách hành chính. Cụ thể là Chi bộ đã chọn cải cách hành chính làm chuyên đề để sinh hoạt hàng tháng, phân công 02 đồng chí đảng viên của 02 đơn vị (Chi cục Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh) theo dõi, báo cáo định kỳ. Trong đó, Chi bộ đã phân tích những hạn chế, tồn tại, yếu kém của năm trước để đề ra các giải pháp nhằm nâng điểm chỉ số cải cách hành chính cho năm sau. Về phía Chính quyền, hàng năm lãnh đạo Văn phòng Điều phối đã ban hành Quyết định phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Phòng, từng công chức phụ trách từng nội dung, nhiệm vụ cụ thể, để tại cuộc họp sơ kết hàng tháng, hàng quý, Lãnh đạo đơn vị kịp thời đôn đốc nhắc nhở. Ngoài ra, công tác cải cách hành chính được cụ thể hóa vào kế hoạch hàng tháng của đơn vị, của các phòng và được công khai đến tất cả công chức, nhân viên nắm bắt, thực hiện. 
         Nhờ thực hiện các giải pháp trên, trong hai năm qua, Văn phòng Điều phối hoàn thành 100% nhiệm vụ theo kế hoạch cải cách hành chính hàng năm đã đề ra, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao. Cụ thể, năm 2021, Văn phòng Điều phối được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xếp hạng 1 (loại rất tốt) và được tặng Giấy khen trong thực hiện công tác cải cách hành chính. Năm 2022, Văn phòng Điều phối tiếp tục được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biểu dương trong việc tham gia Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật năm 2022”. Việc thực hiện cải cách hành chính đã góp phần cho đơn vị được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiều năm liền.
         Không những vậy, cải cách hành chính là công cụ để Văn phòng Điều phối tham mưu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới liên tục đạt và vượt chỉ tiêu đã đề ra. Cụ thể: năm 2021: Nếu so với chỉ tiêu của Tỉnh ủy giao tại Thông báo số 107-TB/TU, Sóc Trăng có 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt vượt 114,3%; có 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt vượt 120%. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã Vĩnh Châu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt 100% kế hoạch. Nếu so với chỉ tiêu của Hội đồng nhân dân tỉnh giao tại Nghị quyết 128/NQ-HĐND, Sóc Trăng có 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt vượt 160%. Bước sang năm 2022, ước đến cuối năm toàn tỉnh có thêm 06 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt vượt 120% so với chỉ tiêu giao tại Nghị quyết số 159/NQ-HĐND, ngày 08/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh, có 07 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao (không có trong chỉ tiêu kế hoạch năm 2022), nâng tổng số đến cuối năm, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
         Đạt được những kết quả bước đầu trên đây, có nhiều nhân tố, nhưng sự chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt, kiên trì và quyết tâm của lãnh đạo đơn vị là yếu tố tiên quyết dẫn đến thành công trong công tác cải cách hành chính. Thứ hai, khi xây dựng kế hoạch thực hiện cải cách hành chính, cần xác định rõ những kết quả, những sản phẩm đạt được, yêu cầu về thời gian, nội dung và chất lượng. Thứ ba, công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra của lãnh đạo về cải cách hành chính phải được tiến hành thường xuyên, có thể lặp đi lặp lại ở nhiều cuộc họp nhằm tạo kết quả chuyển biến thực sự và rõ nét về kỷ luật, kỷ cương hành chính, năng lực quản lý, điều hành. Thứ tư, cải cách hành chính phải gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy sức mạnh tập thể, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện, giám sát, kiểm tra, đấu tranh với các biểu hiện và hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực. Và cuối cùng là đòi hỏi người làm công tác cải cách hành chính ngoài kiến thức, tư duy, quan điểm, lập trường, kinh nghiệm thực tiễn, phải thực sự có tâm, có tầm, có ý chí, nghị lực, quyết tâm, dám đổi mới, dám làm, dám chịu trách nhiệm. 
         Thực tế chứng minh việc đẩy mạnh cải cách hành chính tại Văn phòng Điều phối đã thu được những kết quả quan trọng, công tác cải cách hành chính đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tính năng động, tác phong, đạo đức và hiệu quả làm việc của đội ngũ công chức ở đơn vị./.
Nguyễn Thị Thanh Tâm - Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1331348