Lượt xem: 622
Hội nghị Tổng kết ngành nông nghiệp năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023
     Chiều ngày 10/01/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị Tổng kết sản xuất ngành nông nghiệp năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 với sự tham gia của Ban Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo các đơn vị, phòng, ban trực thuộc và phòng Nông nghiệp và PTNT, phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
  Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2022 ước đạt 7,71% (chỉ tiêu Nghị quyết là từ 6,5% trở lên); trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,07%. Giá trị xuất khẩu hàng hóa 1,4 tỷ USD (tăng 8,61% cùng kỳ), trong đó thủy sản 1,05 triệu USD (tăng 33,3% cùng kỳ), gạo 250 triệu USD (tăng 17,37%). Giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản trên 1 ha đạt 224 triệu đồng/ha.
    Ngành Nông nghiệp đã tích cực chủ động phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tham mưu Tỉnh ủy, UBND và HĐND tỉnh chỉ đạo sản xuất nông nghiệp góp phần cùng với bà con nông dân khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi đạt và vượt các chỉ tiêu được giao. 
    Cụ thể một số chỉ tiêu nổi bật như: Tổng sản lượng lúa đạt 2,042 triệu tấn, giảm 0,78% cùng kỳ (nguyên nhân mưa lớn gây ngập úng 807 ha thiệt hại trên 70%, tại các huyện Thạnh Trị, Mỹ Tú và thị xã Ngã Năm) nhưng vẫn đạt hơn 100% so với kế hoạch, trong đó sản lượng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm 91,64% tổng sản lượng; diện tích cây ăn trái gần 28.443 ha, trong đó một số cây trồng chủ lực như: chuối, xoài, cây có múi, vú sữa, nhãn… ; xây dựng và duy trì 78 mã vùng trồng với diện tích 530 ha, trong năm đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ 157 tấn. Sản lượng thủy hải sản trên 357.183 tấn đạt 101,47%KH, tăng 1,87% cùng kỳ, trong đó sản lượng tôm nước lợ 201.000 tấn.  Sản lượng thịt xuất chuồng của gia súc và gia cầm lần lượt là 38.264 tấn (tăng 22,15% cùng kỳ) và 30.709 tấn (tăng 15,48% cùng kỳ). Có thêm 06 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 07 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; lũy kế có 03/10 huyện, thị xã của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Mỹ Xuyên, Ngã Năm, Vĩnh Châu), 64/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 
    Hội nghị cũng được lắng nghe chia sẻ những khó khăn của lãnh đạo các địa phương như: Mỹ Tú, Kế Sách, Trần Đề, Vĩnh Châu, Long Phú … xung quanh các vấn đề về tình hình thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng đến sản xuất lúa và rau màu, chi phí đầu vào của sản xuất tăng nhanh, chưa chủ động trong tổ chức sản xuất và kết nối doanh nghiệp để liên kết tiêu thụ, sạt lở đang diễn biến phức tạp, …. Một số địa phương và đơn vị cũng đề xuất các giải pháp khắc phục như: chủ động công tác phòng chống thiên tai, điều tiết các công trình đầu nối, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ sản xuất theo hướng hữu cơ…., cũng như hỗ trợ hợp tác xã đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử, có những chính sách hỗ trợ để các hợp tác xã xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến nông sản, hỗ trợ địa phương trong việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ...
    Kết luận hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT ông Huỳnh Ngọc Nhã ghi nhận và giải đáp các kiến nghị, đề xuất của các đại biểu; đồng thời, chỉ đạo toàn Ngành cần quyết tâm khắc phục những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong thời gian qua để triển khai hiệu quả Kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp năm 2023, đảm bảo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp năm 2023 và những năm tiếp theo./.
Nguyễn Thị Bích Ngà - Phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1332021