Lượt xem: 168
Cơ hội cho nguồn chi trả tín chỉ cacbon trong sản xuất lúa tại tỉnh Sóc Trăng: Những vấn đề về kỹ thuật canh tác tiên tiến giảm phát thải khí nhà kính cần được thực hiện
Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày nay không còn là mối cảnh báo nguy cơ mà nó đã thực sự trở thành hiện hữu. Thực tiễn đã và đang có những tác động tiêu cực đến đời sống của con người và trực tiếp đến hệ thống sản xuất nông nghiệp của nhiều quốc gia, nhiều địa phương trong cả nước, nhất là vùng ven biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó có tỉnh Sóc Trăng.

    Để góp phần giữ vững an ninh lương thực Quốc gia và phát triển lúa gạo bền vững, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã dự thảo Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta lúa chất lượng cao, tăng trưởng xanh” và tổ chức triển khai nhiều cuộc hội thảo tham vấn lấy ý kiến của các bộ ngành, địa phương vùng ĐBSCL trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Với mục tiêu tổng quát là: “Hình thành và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh ở ĐBSCL trên quy mô lớn; Nâng cao thu nhập của người trồng lúa và hiệu quả của chuỗi giá trị lúa gạo; Giảm phát thải khí nhà kính; Bảo vệ môi trường sinh thái; Đóng góp cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu hiệu quả cao; Góp phần phát triển ĐBSCL bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

    Song song đó, tại công văn số 1778/BNN-TT ngày 23/3/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) về việc đăng ký diện tích sản xuất lúa đảm bảo chi trả tín chỉ cacbon từ kết quả thực hiện giải pháp kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến áp dụng trong Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) giai đoạn 2016-2022 tại các tỉnh ĐBSCL có khả năng tiếp cận nguồn chi trả tín chỉ cacbon từ Tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB) trong năm 2024.

    Từ những thông tin của Đề án và nội dung công văn được triển khai tại các phiên hội thảo do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức, Lãnh đạo ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành các phiên tham vấn với Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thị xã trong tỉnh rà soát đánh giá thực trạng và nghiên cứu các điều kiện thực tiễn đề xuất UBND tỉnh đăng ký tham gia Đề án với diện tích 77.000 ha đến năm 2030, trong đó phấn đấu diện tích đạt chi trả tín chỉ cacbon trong năm 2024 là 22.000 ha, với vùng sản xuất tập trung thuộc phạm vi Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), giai đoạn 2016-2022 theo bảng chi tiết sau:

TT

Đơn vị

(Huyện, thị xã)

ĐVT

Năm 2024

Năm 2025

Năm 2030

1

Châu Thành

Ha

5.000

5.000

10.000

2

Mỹ Tú

Ha

3.000

6.000

12.000

3

Thạnh Trị

Ha

7.000

7.500

15.000

4

Mỹ Xuyên

Ha

3.000

3.000

6.000

5

Long Phú

Ha

3.000

4.000

8.000

6

Kế Sách

Ha

1.000

2.000

4.000

7

Trần Đề

Ha

-

5.000

10.000

8

Ngã Năm

Ha

-

6.000

12.000

 

Toàn tỉnh

Ha

22.000

38.500

77.000

     
    Sau phiên hội nghị tại Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Lãnh đạo Sở đã có các chuyến công tác cơ sở để tham vấn cùng với cán bộ cấp xã và Hội đồng quản trị các hợp tác xã (HTX) trong vùng dự án VnSAT. Qua tham vấn, đồng chí Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ ra một số điểm hạn chế cần tập trung giải quyết, đó là:

    Thứ nhất là, theo báo cáo của các HTX về việc áp dụng kỹ thuật sản xuất 3G3T, 1P5G giúp giảm phát thải khí nhà kính đã được nông dân thực hiện khá thành công ở các khâu giảm phân, giảm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), tưới ướt khô xen kẽ. Tuy nhiên lượng lúa giống sử dụng vẫn còn ở mức cao, chưa đạt tiêu chí không quá 80 kg/ha.

    Thứ hai là, việc thu gom rơm rạ phục vụ chăn nuôi, trồng nấm, che phủ vườn cây, vùng trồng rau màu được thực hiện khá tốt ở những vùng canh tác 2 vụ, thì việc đốt rơm rạ vẫn còn diễn ra ở một số vùng canh tác lúa 3 vụ, nhất là vụ thu hoạch vào mùa mưa.

    Thứ ba là, tuy thực hiện khá tốt quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính (giảm phân, giảm thuốc, rút nước giữa vụ…), nhưng không có gì chứng minh việc thực hành của nông hộ. Việc ghi chép sổ nhật ký sản xuất sau khi Dự án VnSAT kết thúc (năm 2022) đã không được nông dân tiếp tục duy trì thực hiện.

    Thứ tư là, Dự thảo Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha lúa chất lượng cao, tăng trưởng xanh” của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã được triển khai lấy ý kiến trong thời gian qua, với nhiều cuộc hội thảo tham vấn và giới truyền thông cũng đã vào cuộc nhưng một bộ phận không nhỏ cán bộ cơ sở, Khuyến nông viên, Cộng tác viên Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, HTX và nông dân trong tỉnh vẫn chưa tiếp cận thông tin, chưa hiểu đầy đủ lợi ích khi sản xuất lúa gạo theo mục tiêu Đề án và hướng đến đạt tiêu chuẩn để được chi trả tín chỉ cacbon.

    Với những hạn chế được chỉ ra, để đạt được tiêu chí chi trả tín chỉ cacbon trong năm 2024, đồng chí Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã có lưu ý Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thị xã cần có những biện pháp chỉ đạo tích cực để khắc phục những hạn chế nêu trên ngay từ vụ Hè Thu năm 2023, nhất là việc hỗ trợ nông dân thực hành ghi chép sổ nhật ký sản xuất lúa gạo theo mẫu đã được Dự án VnSAT chuyển giao, những khó khăn vướng mắc đề nghị phối hợp với các đơn vị trong ngành Nông nghiệp và PTNT giải quyết, để phấn đấu trong năm 2024, sau khi được các Tổ chức đánh giá độc lập, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp nhận được nguồn kinh phí chi trả tín chỉ cacbon như diện tích đã đăng ký với Bộ Nông nghiệp và PTNT.

    Đây là nguồn lực rất có ý nghĩa để tiếp tục tái đầu tư phục vụ chiến lược phát triển lúa gạo bền vững hàng năm, từ kết quả xác nhận áp dụng thành công phương pháp canh tác khoa học của bà con nông dân trong tỉnh, rất mong lãnh đạo địa phương các cấp, cũng như bà con nông dân tích cực khắc phục các hạn chế trên và mạnh dạn ứng dụng các biện pháp canh tác tiên tiến giảm phát thải khí nhà kính./.

Võ Quốc Trung - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1331717