Lượt xem: 69
Một số lưu ý về kỹ thuật trong canh tác lúa Đông Xuân muộn 2022-2023 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

    Vụ lúa Đông Xuân muộn 2022-2023 đến nay xuống giống được 26.924 ha, trong đó giai đoạn mạ 7.162 ha, đẻ nhánh 19.762 ha tập trung tại các huyện Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Thạnh Trị, Châu Thành và Long Phú; các giống chủ yếu gồm Đài Thơm 8, OM 18, OM 5451, IR50404... Hiện nay giá lúa dao động từ 6.500 – 7.800 đồng/kg, tăng từ 200-1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái tùy loại giống, do đó khả năng vụ lúa Đông Xuân muộn tiếp tục xuống giống trong thời gian tới do giá bán hấp dẫn.

    Để chủ động trong sản xuất, giảm nhẹ thiệt hại do hạn mặn và dịch hại gây ra thời gian tới, nông dân trồng lúa cần lưu ý một số giải pháp chủ yếu sau:

    Đối với tình hình xâm nhập mặn, theo thông tin cập nhật từ nguồn của Ủy hội sông Mê Công Quốc tế, hồ chứa thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) giảm xả nước xuống hạ du từ ngày 19/01/2023 đến khoảng đầu tháng 2 với lưu lượng còn lại khoảng 650 m3 /s (bằng 50% so với thời gian trước). Việc giảm lượng xả thủy điện ở thượng nguồn sẽ làm gia tăng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long từ khoảng ngày 16/2/2023 đến khoảng nửa đầu tháng 3/2023, với phạm vi 4g/lít tại vùng cửa sông Hậu 58-60 km.

    Tình hình xâm nhập mặn trong thời gian tới còn biến động phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công triều cường. Để chủ động ứng phó, nông dân cần củng cố bờ bao ngăn mặn, sửa chữa các cống bọng tránh rò rỉ nước trên hệ thống kênh nội đồng. Thực hiện trữ nước trong hệ thống kênh, rạch, hồ, ao, đảm bảo trữ đủ lượng nước ngọt sử dụng trong thời gian xâm nhập mặn gia tăng. Thường xuyên theo dõi kết quả quan trắc nguồn nước thông qua việc cài đặt các ứng dụng trên điện thoại như: “Nguồn nước Cửu Long”, “Mekong Rynan” và các thông tin dự báo trên đài phát thanh, truyền hình, nhóm zalo của chính quyền địa phương lập để có được nguồn tin chính xác phục vụ cho sản xuất. Áp dụng một số kỹ thuật trong sản xuất như:

    - Đo độ mặn trước khi lấy nước, có thể sử dụng nước có độ mặn dưới 2‰ để bơm tưới tránh cho mặt ruộng bị khô nứt, nhưng không được giữ lâu trong ruộng, khi có nguồn nước ngọt phải cho nước mới vào thay thế.

    - Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, … các quy trình sản xuất theo hướng giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng.

    - Áp dụng các biện pháp sinh học trong canh tác lúa như sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật.

    - Bón bổ sung một số loại phân bón lá, chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn như: KNO3 (10 g/1 lít nước), Brassinosteroid (Comcat 150 WP, Nyro 0,01 N, Super Humic, Dekamone, ...) phân chứa các nguyên tố Ca, Mg, Si.

    Ngoài ra, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 02-3/2023, tổng lượng mưa (TLM) phổ biến cao hơn từ 5-20mm so với Trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Tháng 4/2023 TLM ở khu vực Nam Bộ cao hơn từ 5-25% so với TBNN cùng thời kỳ, do đó mùa khô năm nay có khả năng xuất hiện những cơn mưa trái mùa. Trong điều kiện nắng nóng, mặt ruộng khô nếu có mưa sẽ dễ dẫn đến hiện tượng phèn ở phía dưới theo mạch mao dẫn lên phía trên gây ngộ độc phèn ảnh hưởng đến sinh trưởng của lúa. Vì vậy sau khi hết mưa cần bơm nước vào ruộng rồi xả ra để rửa phèn. Nếu có mưa lớn gây ngập ruộng lúa giai đoạn đòng - trổ chín cần nhanh chóng bơm nước ra từ từ để tránh ngập lâu, chân rạ yếu dễ đỗ ngã và gây khó khăn cho việc thu hoạch lúa.

    Về tình hình dịch hại, bên cạnh các dịch hại chủ yếu như rầy nâu, bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá, đạo ôn lá, cổ bông bà con đã quá quen thuộc và biết cách phòng trừ, cần quan tâm theo dõi các dịch hại được xem là thứ yếu nhưng trong những vụ gần đây lại phát triển mạnh, nếu không phát hiện và phòng trừ kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến năng suất như:

    - Rầy phấn trắng: thời tiết nắng nóng là điều kiện cho rầy phấn trắng phát triển. Khi thăm đồng cần khua động tán lá xem có rầy phấn trắng bay lên không, quan sát mặt dưới lá xem có trứng rầy đẻ dọc theo gân lá hay không. Chú ý ruộng bón thừa đạm, bón đạm muộn, ruộng sạ dày, phun thuốc trừ sâu sớm và những ruộng hay bị nhiễm ở các vụ trước. Nếu mật số rầy cao vào giai đoạn đòng – trỗ, có khả năng gây hại năng suất, có thể dùng thuốc đặc trị và phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng.

    - Muỗi hành: thường gây hại lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng. Để quản lý tốt muỗi hành, áp dụng đồng bộ các biện pháp tổng hợp như: theo dõi bẫy đèn để phát hiện thời điểm cao điểm thành trùng muỗi hành, tiêu diệt ký chủ của muỗi hành như cỏ dại, lúa chét, lúa hoang mọc ở kênh mương; bón phân cân đối, không bón thừa phân đạm. Đặc biệt không phun thuốc trừ sâu ở giai đoạn đầu của cây lúa (0-40 ngày sau khi sạ) nhằm bảo vệ thiên địch.

    - Chuột: gieo trồng 3 vụ là một trong những điều kiện để chuột sinh sôi mạnh do có nguồn thức ăn liên tục. Để diệt chuột hiệu quả cần áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp ngay từ đầu vụ và áp dụng đồng loạt. Sử dụng các loại thuốc diệt chuột có nguồn gốc sinh học, không dùng điện bắt chuột gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Vương Bích Vân - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1087950