Tình hình dịch hại trên lúa tỉnh Sóc Trăng (Từ ngày 01/11/2023 đến 07/11/2023) và dự báo dịch hại tuần tới
1. Tình hình sản xuất
- Vụ Mùa 2023 - 2024: đã xuống giống 10.368 ha (tăng 133 ha so với tuần trước), đạt 94,3% kế hoạch, thấp hơn 0,5% so với CKNT (bằng 574 ha). Hiện nay đã thu hoạch 1.242 ha tại TX.Vĩnh Châu, năng suất ước đạt 53,5 tạ/ha, sản lượng 6.649 tấn. Riêng tại huyện Mỹ Xuyên diện tích xuống giống 7.710 ha, trong đó có 72 ha lúa giai đoạn mạ do ngập sâu, thoát nước chậm nên bị thiệt hại hoàn toàn, tăng 17 ha so với tuần trước, tập trung tại xã Hòa Tú 2 và Ngọc Tố huyện Mỹ Xuyên.
- Vụ Thu Đông 2023: diện tích xuống giống là 4.090 ha, đã thu hoạch 1.356 ha tại huyện Mỹ Tú, Châu Thành và TX. Ngã Năm, năng suất ước đạt 48,31 tạ/ha, sản lượng 6.551 tấn.
- Vụ Đông Xuân 2023 - 2024: xuống giống 79.711 ha (tăng 11.070 ha so với tuần trước), đạt 46,6% kế hoạch, thấp hơn 1,1% so với CKNT (bằng 925 ha). Các giống chủ lực OM 5451, OM 18, OM 380 và Tài Nguyên…
2. Tình hình dịch hại trong tuần
- Trà lúa Đông Xuân 2023-2024: tổng diện tích nhiễm dịch hại là 3.336 ha (tăng 753 ha so với tuần trước). Các đối tượng dịch hại tăng diện tích nhiễm trong tuần như: sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, đạo ôn lá, đốm sọc vi khuẩn. Hầu hết các đối tượng ở mức độ nhiễm nhẹ, riêng sâu cuốn lá và bệnh đạo ôn lá nhiễm trung bình với diện tích nhiễm lần lượt 5 ha và 59 ha, tập trung tại các huyện Kế Sách và Long Phú.
- Trà lúa Mùa 2023 - 2024: tổng diện tích nhiễm trong tuần là 564 ha (giảm 38 ha so với tuần trước). Nhìn chung, các đối tượng dịch hại xuất hiện ở mức độ nhiễm nhẹ như ốc bươu vàng, sâu cuốn lá trên lúa giai đoạn mạ đến đẻ nhánh, bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng và bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt trên trà lúa giai đoạn trổ tại TX. Vĩnh Châu và huyện Mỹ Xuyên.
- Ngoài ra, trên trà lúa Thu Đông 2023 diện tích nhiễm dịch hại là 57 ha, chủ yếu bệnh cháy bìa lá, lem lép hạt, nhiễm nhẹ - trung bình tập trung tại huyện Châu Thành.
3. Dự báo dịch hại trong tuần tới
- Ngoài đồng ruộng, hiện nay rầy nâu xuất hiện với mật số rất thấp, tuổi 2 - 3. Tuy nhiê, các địa phương cũng cần theo dõi thường xuyên tình hình rầy nâu ngoài đồng để có biện pháp phòng trừ kịp thời và hiệu quả, đặc biệt chú ý trên trà lúa giai đoạn trổ, nếu không phát hiện và phòng trừ kịp thời, rầy tích lũy mật số khả năng gây hại nặng cho cây lúa.. Đối với các khu vực đang chuẩn bị xuống giống, theo dõi tình hình rầy nâu di trú tại địa phương, khuyến cáo nông dân xuống giống né rầy, nhằm hạn chế khả năng rầy nâu truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho các trà lúa mới gieo sạ.
- Các trà lúa mới xuống giống cần quan tâm chú ý đối tượng ốc bươu vàng, bù lạch, chuột gây hại đầu vụ. Chú ý, các ruộng lúa xuống giống có thời gian cách ly giữa 2 vụ ngắn có khả năng ngộ độc hữu cơ sẽ phát triển và gây hại nặng.
- Trong điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ, ẩm độ không khí cao, sáng sớm có sương mù nhẹ kết hợp trà lúa có nhiều giai đoạn tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng dịch hại phát triển, đặc biệt các ruộng gieo sạ dày, sử dụng giống nhiễm và bón thừa phân đạm như bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng, bệnh đạo ôn cổ bông và lem lép hạt trên trà lúa giai đoạn trổ. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông và lem lép hạt cần phun ngừa bệnh khi lúa trổ lác đác và lần 2 khi lúa trổ đều.
- Ngoài ra, cũng cần quản lý tốt các đối tượng như muỗi hành, sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh vàng lá vi khuẩn trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ.
4. Công tác quản lý, chỉ đạo trong thời gian tới
- Tiếp tục thực hiện công tác điều tra giám sát, theo dõi tình hình sản xuất, dịch hại, ... trên các loại cây trồng. Tăng cường công tác giám sát bổ sung nhằm chủ động phát hiện và có biện pháp quản lý kịp thời.
- Thường xuyên kiểm tra tình hình rầy nâu di trú vào bẫy đèn và tổng hợp báo cáo hàng ngày.