Lượt xem: 2007
MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ “HÀNG GIẢ” MÀ NGƯỜI KINH DOANH VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP TỈNH SÓC TRĂNG CẦN BIẾT
23/04/2019
Để giúp người
kinh doanh vật tư nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng nắm rõ một số quy định về quản lý “hàng
giả” của pháp luật nhằm nâng cao ý thức của các chủ cửa hàng kinh doanh lĩnh
vực nông nghiệp trong việc lựa chọn những sản phẩm có chất lượng để buôn bán
cho người nông dân phục vụ tốt cho ngành sản xuất nông nghiệp và thủy sản trong
tỉnh, Thanh tra Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng giới
thiệu một số quy định về “hàng giả” trong Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày
15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động
thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng.
Cụ thể như sau:
Tại khoản 8, Điều 3 của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của
Chính phủ quy định về “hàng giả” gồm:
“a) Hàng hóa không có giá trị
sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản
chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng
với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
b) Hàng
hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc
tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất
lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn,
bao bì hàng hóa;
c) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh
cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm
lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với
dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
d) Thuốc bảo vệ thực vật không
có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn
chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt
chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa….”
Thông qua công tác lấy mẫu vật tư nông nghiệp để kiểm tra chất lượng của
lực lượng thanh tra chuyên ngành, đối với hành vi buôn bán
hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d
khoản 8 Điều 3 Nghị định này, tổ chức, cá nhân có hành vi buôn
bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng (quy định tại Điều 11 – Nghị định
185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013) với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 50.000.000 đồng tùy
theo giá trị của hàng thật.
Ngoài ra, phạt tiền gấp hai lần các
mức tiền phạt quy định đối với hàng giả thuộc một trong các trường hợp: là thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ
thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi mà không bị truy cứu trách nhiệm hình
sự.
Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị
xử phạt bổ sung như tịch thu
tang vật đối với hành vi vi phạm; Tước quyền sử dụng
giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm
quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Đồng thời, người vi phạm buộc thực hiện một số biện
pháp khắc phục hậu quả như buộc tiêu hủy tang vật đối
với hành vi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp
có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định; buộc
thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi
phạm quy định.
Trương Thị Ngọc Thu - Thanh tra Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng