Lượt xem: 60
Ứng dụng công nghệ số để giới thiệu và tiêu thụ trái vú sữa trong các hợp tác xã ở huyện Kế Sách
   Trong chuỗi giá trị cây vú sữa, công nghệ số được ứng dụng trong tất cả các giai đoạn của chuỗi: Từ giai đoạn tổ chức, bảo vệ sản xuất; sơ chế, chế biến đến giai đoạn giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc (có mã QR) để giới thiệu và tiêu thụ trái vú sữa đã và đang đem lại hiệu quả cao cho các hợp tác xã (HTX).
    Các sản phẩm vú sữa Tím – Hợp tác xã (HTX) Trinh Phú; vú sữa Tím Tứ Quý - HTX Ứng dụng công nghệ cao và Du lịch cộng đồng Mỹ Phước và vú sữa Bơ Hồng – HTX Nông nghiệp Xóm Đồng 2 đều được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Các sản phẩm vú sữa vừa kể trên đều được dán tem điện tử truy xuất trên trái theo yêu cầu của khách hàng (Hình). Người tiêu dùng khi sử dụng điện thoại thông minh quét lên tem điện tử dán trên trái vú sữa sẽ được cung cấp thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, đặc tính, giá cả của sản phẩm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng còn được kể câu chuyện của sản phẩm; trong đó, có thể gợi lại hình bóng quê nhà, những kỷ niệm với miền quê thân yêu của những người con xa quê…
          
                          Tem vú sữa Bơ Hồng                                   Vú sữa Bơ Hồng của HTX Xóm Đồng 2
    Với việc ứng dụng công nghệ số, chủ thể của các sản phẩm vú sữa ở Kế Sách không chỉ bán giá trị sử dụng của trái vú sữa mà còn bán cả giá trị vô hình là câu chuyện của sản phẩm; không chỉ thưởng thức hương vị thơm ngon của trái vú sữa mà còn trở về với ký ức miền quê của nhiều người. Do đó, sản phẩm trái vú sữa có dán tem nhãn điện tử đã được tích hợp đa giá trị trong sản phẩm, nhờ vậy giá bán tăng lên gấp vài lần so với sản phẩm cùng loại không có tem nhãn.
    Ông Trần Văn Phương – Giám đốc HTX Xóm Đồng 2 cho biết phân khúc thị trường chất lượng cao trong nước như siêu thị, doanh nghiệp, cửa hàng nông sản sạch,… đòi hỏi từng trái vú sữa đều được dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc và sẵn sàng trả giá cao hơn từ 7.000 – 10.000 đồng/kg; niên vụ vú sữa 2023-2024 số lượng tem điện tử HTX đã sử dụng là hơn 560.000 tem. Ông Trần Văn Phương khẳng định “Dán tem giúp tạo uy tín, sự an tâm đối với người tiêu dùng, làm tăng giá trị sản phẩm đối với trái vú sữa Bơ Hồng”.
    Tại HTX Ứng dụng công nghệ cao và Du lịch cộng đồng Mỹ Phước, việc dán tem trên vú sữa Tím Tứ Quý cũng đem lại hiệu quả rất cao. Ông Trần Anh Nhân chia sẻ: “Nhờ tem điện tử mà người tiêu dùng biết đến sản phẩm vú sữa Tím Tứ Quý của HTX; thị trường tiêu thụ được mở rộng và giá cả cũng ổn định; giá loại I là 80 ngàn đồng/kg, còn giá loại II là 45 ngàn đồng/kg, cao gấp 2-3 lần so với vú sữa cùng loại bên ngoài HTX; số lượng tem điện tử sử dụng trong các tháng đầu năm 2024 cho sản phẩm vú sữa Tím Tứ Quý đạt hơn 60.000 tem”. Đặc biệt, nhiều đoàn khách du lịch đã đến tham quan vườn để tận tay hái, thưởng thức trái vú sữa Tím Tứ Quý và nghe câu chuyện thú vị về quá trình chọn tạo và nhân giống giống vú sữa đặc sắc này. Điều đó chứng minh rằng sản phẩm OCOP (có dán tem nhãn) tạo điều kiện cho du lịch nông thôn phát triển và đến lượt mình du lịch nông thôn là môi trường để sản phẩm OCOP vươn xa và tăng giá trị.
  
             Vú sữa Tím Tứ Quý dán tem truy xuất nguồn gốc      Vú sữa Bơ Hồng trung bày tại tại trụ Sở của UBND tỉnh dịp                                                                                                                                                       tết Nguyên đán
    Về mặt kỹ thuật, để tăng tính năng và hiệu quả của tem, lãnh đạo của 2 HTX đều cho rằng tem điện tử truy xuất nguồn gốc cần được cải tiến để quét mã QR cho ra thông tin nhanh hơn (tem đang sử dụng cần khoảng 10 giây mới hiển thị thông tin). Trong thời gian tới, trên tem điện tử truy xuất nguồn gốc và nhãn hiệu sẽ tích hợp thêm biểu tượng sản phẩm OCOP hạng 4 sao.
    Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện Kế Sách sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các HTX đăng ký nhãn hiệu, nhân rộng ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chủ lực khác của huyện như bưởi, sầu riêng, xoài… Đồng thời, nhân rộng mô hình gắn kết các sản phẩm OCOP với phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn huyện./.
Vũ Bá Quan - Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1338286