Lượt xem: 131
Tình hình dịch hại trên lúa tỉnh Sóc Trăng (Từ ngày 24/02/2023 đến 01/03/2023) và dự báo dịch hại tuần tới

1. Tình hình sản xuất

    Vụ Đông Xuân 2022-2023: Xuống giống 173.527 ha/KH 171.000 ha, (đạt 101,5 % so với kế hoạch). Vụ Đông Xuân muộn xuống giống tăng 7.945 ha so với tuần trước nâng tổng diện tích xuống giống tính tới thời điểm hiện nay 30.734 ha phân bố ở các huyện Kế Sách, Châu Thành, Mỹ Tú, Thạnh Trị, Long Phú, Mỹ Xuyên, trà lúa đang tập trung giai đoạn đẻ nhánh – trổ. Vụ Đông Xuân sớm và Đông Xuân chính vụ đã thu hoạch 85.795 ha đạt 49% diện tích, tăng 5.875 ha so với tuần trước tại các huyện Châu Thành, Thạnh Trị và TX. Ngã Năm, năng suất trung bình 63,3 tạ/ha, sản lượng 543.210 tấn.

2. Tình hình dịch hại trong tuần

    Trong tuần, tổng diện tích nhiễm dịch hại trên trà lúa Đông Xuân 2022-2023 là 4.047 ha (giảm 494 ha so với tuần trước), diện tích nhiễm giảm chủ yếu: sâu cuốn lá, đạo ôn lá, cháy bìa lá do trà lúa Đông Xuân chính vụ đang tập trung giai đoạn trổ chín đến thu hoạch. Hầu hết các đối tượng dịch hại xuất hiện ở mức độ nhiễm nhẹ, riêng sâu đục thân, chuột, vàng lá chín sớm xuất hiện diện tích nhiễm trung bình. Đối với rầy nâu, sâu đục thân đang có xu hướng phát triển và gây hại nặng do lúa Đông Xuân muộn đang giai đoạn đẻ nhánh đến đòng, kết hợp điều kiện thời tiết nắng nóng thích hợp cho sâu hại phát triển.

    + Rầy nâu: diện tích nhiễm là 220 ha (tăng 49 ha so với tuần trước), với mật số nhiễm nhẹ tập trung tại các huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị.

    + Sâu đục thân: diện tích nhiễm là 398 ha (tăng 202 ha so với tuần trước), trong đó có 62 ha nhiễm trung bình tại các huyện Long Phú, Mỹ Tú, Kế Sách.

3. Dự báo dịch hại trong tuần tới                   

    - Qua kết quả điều tra ngoài đồng, rầy nâu trên đồng tuổi 1 - 3. Dự báo trong thời gian tới rầy nâu sẽ tiếp tục nở và gây hại mức độ trung bình nếu gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, đặc biệt trên trà lúa giai đoạn trổ chín (Đông Xuân chính vụ) ở các huyện Thạnh Trị, Mỹ Tú, Châu Thành, có khả năng cháy rầy cục bộ nếu không được phát hiện và quản lý kịp thời. Riêng trà lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh (Đông Xuân muộn) cần khuyến cáo nông dân chủ động thăm đồng để nhằm phát hiện và có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả; tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học (nấm xanh, nấm trắng, ...), hạn chế sử dụng thuốc hóa học để tránh bộc phát ở giai đoạn sau.

    - Các loại bệnh hại: với điều kiện thời tiết sáng sớm có sương mù, đêm và sáng trời se lạnh, nhiệt độ chênh lệch ngày và đêm cao, ẩm độ không khí tăng thích hợp cho bệnh đạo ôn lá phát triển trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng, đặc biệt trên các ruộng gieo sạ dày và bón thừa phân đạm bệnh có khả năng gây hại nặng. Khuyến cáo nông dân cần thăm đồng thường xuyên, để phát hiện sớm vết bệnh và phòng trừ kịp thời. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông phun ngừa vào 2 thời điểm khi lúa trổ lẹt xẹt và lúa trổ đều.

    - Đối với trà lúa giai đoạn đòng trổ (Đông Xuân chính vụ) các đối tượng dịch hại cần quan tâm theo dõi như đạo ôn cổ bông, vàng lá chín sớm, lem lép hạt, cháy bìa lá.

    - Trên các trà lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh (Đông Xuân muộn) cần tiếp tục quan tâm, theo dõi đối tượng muỗi hành sẽ tiếp tục phát sinh và phát triển nếu gặp điều kiện thuận lợi về thời tiết, giống nhiễm, gieo sạ dày và có khả năng gây hại nặng nếu không được phát hiện và phòng trừ kịp thời. Ngoài ra, cần chú ý đối tượng chuột có xu hướng phát triển và gây hại nặng.

4. Công tác quản lý, chỉ đạo trong thời gian tới

    - Tiếp tục thực hiện công tác điều tra giám sát, theo dõi tình hình sản xuất, dịch hại, ... trên các loại cây trồng.

    - Thường xuyên kiểm tra tình hình rầy nâu di trú vào bẫy đèn và tổng hợp báo cáo hàng ngày.

    - Điều tra, thu thập, cập nhật giá thành sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Ngô Vương Ngọc Bảo Trân - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1332318