Lượt xem: 144
Tình hình dịch hại trên lúa tỉnh Sóc Trăng (Từ ngày 10/05/2023 đến 16/05/2023) và dự báo dịch hại tuần tới

1. Tình hình sản xuất

    - Vụ Đông Xuân 2022-2023: Hiện nay đã thu hoạch 172.974 ha (tăng 1.321 ha so với tuần trước), đạt 99,7% diện tích; năng suất trung bình 67,9 tạ/ha, sản lượng 1.175.968 tấn. Diện tích còn lại trên đồng 602 ha đang giai đoạn chín, dự kiến 25- 30/5 thu hoạch dứt điểm.

    - Vụ Hè Thu 2023: Diện tích xuống giống là 52.865 ha/KH 138.000 ha, đạt 38% kế hoạch, tăng 7.108 ha so với tuần trước và thấp hơn 10.337 ha với CKNN, tại các huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị, Châu Thành, Kế Sách và TX. Ngã Năm, các giống chủ lực như OM 18, Đài Thơm 8, OM 5451, ST 24.

2. Tình hình dịch hại trong tuần

    - Vụ Hè Thu 2023 tổng diện tích nhiễm dịch hại trong tuần là 2.490 ha (giảm 44 ha so với tuần trước), các đối tượng dịch hại xuất hiện chủ yếu, cụ thể: 

    + Sâu cuốn lá nhỏ: Diện tích nhiễm trong tuần là 808 ha (tăng 29 ha so với tuần trước), gây hại mức độ nhẹ, trên trà lúa đẻ nhánh. Phân bố tại các huyện Kế Sách, Thạnh Trị, Châu Thành và TX. Ngã Năm.

    + Sâu đục thân: Diện tích nhiễm 427 ha (giảm 75 ha so với tuần trước), tỷ lệ phổ biến 5- 10% chồi và nơi cao 12% chồi với diện tích 25 ha, tập trung tại xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú xuất hiện trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh.

    + Bệnh đạo ôn lá: Diện tích nhiễm 340 ha (tăng 113 ha so với tuần trước) với tỷ lệ 5 – 10% lá bệnh, trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh tại các huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị và TX. Ngã Năm.

    + Ốc bươu vàng: Trong tuần nhiễm 463 ha (tăng 119 ha so với tuần trước), trong đó có 72 ha nhiễm trung bình tập trung tại các huyện Kế Sách, Mỹ Tú.

    + Chuột: trong tuần gây hại nhẹ 373 ha (giảm 59 ha so với tuần trước) tại Mỹ Tú, Châu Thành và TX. Ngã Năm.

    - Đối với trà lúa Đông Xuân 2022-2023 giai đoạn chín đến thu hoạch nên nhìn chung dịch hại xuất hiện không đáng kể.

3. Dự báo dịch hại trong tuần tới                   

    - Do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ, kết hợp trà lúa tập trung giai đoạn mạ đến đẻ nhánh nên các đối tượng dịch hại như sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, đạo ôn lá, bù lạch có khả năng tiếp tục phát sinh và gây hại, đặc biệt chú ý trên những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm và sử dụng giống nhiễm như OM 5451, Đài Thơm 8, OM 18…. Khuyến cáo bà con nông dân cần tăng cường thăm đồng để phát hiện sớm các đối tượng dịch hại, hạn chế việc phun ngừa sâu, rầy để tránh dịch hại bộc phát và hại nặng ở giai đoạn sau. Cần áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp theo IPM, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật theo chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ.

    - Đối với khu vực chuẩn bị xuống giống vụ Hè Thu 2023 cần vệ sinh đồng ruộng, cày ải phơi đất, đảm bảo thời gian cách ly giữa 02 vụ ít nhất 03 tuần để hạn chế tình trạng ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ. Theo dõi tình hình rầy nâu di trú khuyến cáo nông dân xuống giống đảm bảo tập trung và né rầy theo lịch khuyến cáo của địa phương để hạn chế rầy nâu truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho các trà lúa mới gieo sạ.

4. Công tác quản lý, chỉ đạo trong thời gian tới

    - Tiếp tục thực hiện công tác điều tra giám sát, theo dõi tình hình sản xuất, dịch hại, ... trên các loại cây trồng.

    - Thường xuyên kiểm tra tình hình rầy nâu di trú vào bẫy đèn và tổng hợp báo cáo hàng ngày.

    - Điều tra, thu thập, cập nhật giá thành sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Ngô Vương Ngọc Bảo Trân - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1425073