Lượt xem: 263
Sóc Trăng: Trồng sau sạch theo mô hình thủy canh
Nhằm định hướng sản xuất theo hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hóa sản xuất, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác trong điều kiện thị trường tiêu thụ và biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường như hiện nay. Đồng thời, tận dụng tối đa không gian diện tích, thời gian sẵn có, cũng như giảm thiểu dư lượng Nitrat lưu tồn trong sản phẩm, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường đặc biệt ở khu vực đông dân cư như thành phố Sóc Trăng.

Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện Mô hình trồng rau thuỷ canh trong nhà lưới bằng giàn chữ A gắn với tiêu thụ. Đây là mô hình khuyến nông thực hiện trong năm 2023, với diện tích 102 m2 tại hộ anh Quách Bảo Duy, Khóm 4, phường 5, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Thông qua mô hình nông dân tham gia được hỗ trợ 50% kinh phí vật tư đầu vào như giống, vật tư để làm mô hình trình diễn, đồng thời bà con còn được hỗ trợ tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất và tham quan học tập kinh nghiệm từ mô hình…

Năm 2022, gia đình anh Quách Bảo Duy sở hữu mảnh đất ở vùng ven thành phố Sóc Trăng với diện tích 2.000 m², anh Duy tự tìm hiểu học hỏi và tự bỏ vốn trồng rau thủy canh cho gia đình vừa làm vừa học. Tuy nhiên kết quả mang lại chưa được như mong muốn, do thực hiện chưa đầy đủ với quy trình kỹ thuật như: nhà lưới lắp đặt chưa đạt yêu cầu kỹ thuật, các trang thiết bị về hệ thống phun sương, hệ thống thông gió, hệ thống cắt nắng chưa đảm bảo đồng bộ, kết cấu nhà còn phức tạp, vật tư, thiết bị chưa kịp thời, dung dịch thủy canh bị thối có mùi hôi… làm cho nhiều cây rau bị chết ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng rau màu không đạt.

Năm 2023, Anh Duy quyết tâm tìm đến Trung tâm Khuyến nông để tìm hiểu rõ về quy trình kỹ thuật, đồng thời anh đã đăng ký tham gia mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới và tiếp tục duy trì thực hiện cho tới nay.

Tại Hội nghị tổng kết mô hình hiệu quả năm 2023 của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, trong đó các đại biểu đã đánh giá cao về Mô hình trồng rau thuỷ canh trong nhà lưới bằng giàn chữ A gắn với tiêu thụ và sau đó mô hình được nhiều đoàn khách đến tham quan học tập kinh nghiệm.

Là một nông dân tâm huyết, anh Duy tham gia mô hình với mong muốn cung cấp nguồn rau sạch an toàn cho người tiêu dùng, đặc biệt là các em học sinh bán trú tại Trường Thực hành sư phạm và người dân trên địa bàn thành phố Sóc Trăng, do mô hình không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo anh Duy, đây là mô hình sản xuất hiệu quả không chỉ giúp cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn mang lại lợi nhuận cho người sản xuất.

Hiệu quả kinh tế mô hình, mỗi năm với sản lượng 4,8 tấn rau các loại với giá bán khoảng 35.000 đồng/kg, tổng thu 168 triệu đồng trên năm. Tổng chi phí đầu tư một năm khoảng 79 triệu đồng, bao gồm chi phí vật tư đầu vào gần 11 triệu đồng, chi phí lao động 36 triệu đồng và khấu hao thiết bị 32 triệu đồng. Như vậy lợi nhuận 1 năm từ diện tích 102 m2 của anh là 89 triệu đồng/năm.

Liên kết tiêu thụ sản phẩm: Để tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của mình ngoài hợp đồng liên kết với Trường Thực hành sư phạm tỉnh Sóc Trăng và bếp ăn của một số trường mẫu giáo, anh còn chủ động bán hàng online thông qua mạng xã hội zalo, facebook. Hiện nay, sản phẩm rau anh sản xuất được người tiêu dùng đánh giá cao bởi chất lượng rau ngon, thời gian bảo quản rau trong tủ lạnh, ngăn mát hơn 1 tuần vẫn xanh tốt, đây là dấu hiệu tích cực để anh tiếp tục duy trì và mở rộng quy mô sản xuất của gia đình.

Hiện tại anh đã thành lập được các nhóm khách hàng thông qua các hệ thống mạng xã hội này và sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới. Để có đủ sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng. Sắp tới, anh sẽ mở rộng diện tích trồng toàn bộ diện tích hiện có của nhà lưới với các loại nông sản có giá trị kinh tế cao, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Đây là mô hình nông nghiệp đô thị tiềm năng và bền vững cho những hộ nông dân có diện tích canh tác nhỏ tại Sóc Trăng nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Lãnh đạoTrung tâm Khuyến nông và Thành ủy Sóc Trăng tham quan mô hình

TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG RAU THỦY CANH NHƯ SAU:

1. Một số yêu cầu khi thực hiện trồng thủy canh:

- Hệ thống thủy canh bao gồm các bộ phận chính như sau:

+ Các ống nhựa/chậu trồng chuyên dụng dùng cho thủy canh (hoặc có thể sử dụng ống nước PVC) trên thân ống có đục các lỗ để đặt các rọ nhựa trồng cây.

+ Rọ nhựa.

+ Giá đỡ/kệ đỡ bằng sắt để đặt các ống thuỷ canh.

+ Bồn/thùng chứa dung dịch dinh dưỡng (dung tích tuỳ theo kích thước của giàn thủy canh được thiết kế).

+  Máy bơm.

+ Timer hẹn giờ,...

Nguyên tắc: Dung dịch dinh dưỡng từ thùng chứa được bơm đều lên các giàn ống cung cấp nước và dinh dưỡng cần thiết đến tất cả các rọ giá thể trên giàn sau đó hồi lưu về thùng chứa thông qua các ống dẫn. Hệ thống được đóng mở tự động qua timer nối giữa máy bơm và hệ thống dẫn nước, có tác dụng điều chỉnh thời gian và số lần bơm nước trong ngày.

+ Dung dịch thủy canh.

+ Hạt giống.

+ Giá thể ươm hạt.

+ Nước: sử dụng nước có pH trong khoảng 6-7.

2. Quy trình trồng rau thủy canh:

-Bước 1: Ươm hạt giống, chuẩn bị cây con.

+ Một số lưu ý:

ͽ Chọn mua hạt giống của các công ty có uy tín trên thị trường để đảm bảo tỷ lệ hạt nảy mầm cao.

ͽ Sử dụng giá thể hữu cơ để gieo hạt các loại rau nhằm hạn chế một số mầm bệnh.

+ Phương pháp thực hiện:

ͽ Cho giá thể vào các rọ nhựa.

ͽ Gieo hạt giống trực tiếp vào các rọ nhựa (3 hạt giống/rọ nhựa).

ͽ Để các rọ đã gieo hạt vào chỗ mát và tưới phun sương hàng ngày đến khi hạt giống nảy mầm, bén rễ, lên lá non. Sau khi hạt nảy mầm đưa cây con trong các rọ đã gieo hạt đem ra nắng nhẹ cho quen với điều kiện bên ngoài.

- Bước 2: Đặt rọ cây con lên ống trồng thủy canh, chăm sóc vận hành hệ thống thủy canh.

+ Đặt rọ cây con lên ống trồng thủy canh:

 ͽ Các giống rau ăn lá: Sau khi gieo 7 ngày thì đem rọ cây con đặt lên ống trồng thủy canh. Các giống rau ăn quả: Sau khi gieo khoảng 20 ngày thì đem rọ cây con đặt lên ống trồng thủy canh.

ͽ Cho rọ cây con vào hết các lỗ trên ống trồng thủy canh.

+ Chăm sóc và vận hành hệ thống thủy canh:

ͽ Bơm nước vào đầy thùng chứa và cho dung dịch dinh dưỡng vào.Nồng độ dung dịch dinh dưỡng khi trồng: 800ppm (đối với rau ăn lá)1.500ppm (đối với rau ăn quả),pH thích hợp: 6-7.

ͽ Cài đặt timer (3 giờ tưới 2 lần, thời gian 15 phút/lần tưới).

ͽ Mỗi ngày kiểm tra nước trong thùng chứa, cây con và sâu bệnh. Bổ sung dinh dưỡng giúp cho cây phát triển, với tần suất 2 lần/tuần; trước khi thu hoạch 1 tuần không bổ sung dinh dưỡng.

- Bước 3: Thu hoạch.

+ Đối với rau thuỷ canh, thời gian thu hoạch rau ăn lá từ 3- 5 tuần sau trồng; rau ăn quả từ 2,5- 3 tháng sau trồng tuỳ thuộc vào từng đối tượng.

+ Thường sau khi cây lên giàn được 25 - 30 ngày tiến hành thu hoạch khi cây đạt trọng lượng 90 g/cây/rọ cải ngọt, với xà lách 80 g với cây cải/rọ. Rau hoàn toàn đảm bảo độ an toàn khi sử dụng dung dịch thuỷ canh./.

Trần Ngọc Tuấn – Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1478141