Lượt xem: 71
ỨNG DỤNG HỆ THỐNG TƯỚI TIẾT KIỆM CHO VƯỜN CÂY ĂN TRÁI: GIẢI PHÁP THÍCH ỨNG HẠN, MẶN CỦA NHÀ VƯỜN Ở HUYỆN KẾ SÁCH

    Mùa khô năm 2023 – 2024 xâm nhập mặn xảy ra ở mức cao hơn trung bình nhiều năm: Độ mặn cao hơn, xâm nhập sâu hơn và thời gian nhiễm mặn kéo dài. Tính đến nay (02/4/2024) trên địa bàn huyện Kế Sách đã xảy ra 6 đợt xâm nhập mặn; trong đó, độ mặn cao nhất xuất hiện tại vàm Nhơn Mỹ là 6,7‰, tại thị trấn Kế Sách là 5,1‰ vào ngày 11/02/2024 và ngưỡng mặn trên 1‰ đã vượt qua vàm Cái Côn.

     Trong khi đó, hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện hiện nay là hệ thống ngăn mặn hở gồm tuyến bờ bao khép kín từng khu vực có diện tích từ 50 đến 100 ha với hệ thống thủy lợi có các kênh, bờ bao, cống, đập... Do vậy, việc ngăn mặn, trữ ngọt và tưới tiết kiệm là những yếu tố quan trọng để thích ứng với điều kiện hạn, mặn. 

    Để chủ động ứng phó với xâm nhập mặn, hỗ trợ bà con nông dân bảo vệ sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu thiệt hại do mặn gây ra; ngay từ tháng 10 năm 2023, ngành nông nghiệp đã chủ động áp dụng mọi giải pháp từ giải pháp công trình đến phi công trình để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, việc hướng dẫn người dân nạo vét ao, mương để trữ nước ngọt và sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm cho vườn cây ăn trái đã đem lại hiệu quả cao trong thích ứng với hạn, mặn trong mùa khô năm 2023 – 2024.

     Qua thống kê cho thấy, tính đến đầu năm 2024, trên địa bàn huyện đã có gần 1.000 ha vườn cây ăn trái được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Trong đó, các cây cho hiệu quả kinh tế cao, mẫn cảm với mặn có diện tích áp dụng tưới tiết kiệm nhiều như: Sầu riêng (676 ha), vú sữa (96 ha), mít (56 ha), chanh (51 ha).

 Tưới phun truyền thông  Tưới phun tiết kiệm quanh gốc

    Kết quả từ thực tế chỉ ra rằng: So với phương pháp tưới truyền thống, hệ thống tưới phun quanh gốc đem lại hiệu quả về nhiều mặt như: Giúp giảm lượng nước tưới từ 30-40% do có thể điều chỉnh số lượng và vị trí béc phun để cung cấp lượng nước phù hợp cho cây; giảm 75% công lao động; hạn chế hiện tượng rửa trôi phân bón hoặc dinh dưỡng trên lớp đất mặt, không phá vỡ kết cấu đất nên hạn chế tình trạng đóng váng mặt đất. Theo ông Đoàn Út Xuân – Giám đốc Hợp tác xã Hưng Lợi 1, tưới phun quanh gốc còn giảm phát tán bệnh thối gốc, chảy mủ trên sầu riêng và mít.

    Tại thị trấn Kế Sách, địa bàn hàng năm đều chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nhà vườn chủ động thiết kế hệ thống ao mương để trữ nước và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm thì vườn cây vẫn đủ nước tưới khi xảy ra hạn, mặn kéo dài. Ông Nguyễn Hữu Cầm - ấp An Định, thị trấn Kế Sách cho biết: “ Mặc dù mùa khô năm nay nắng nóng liên tục, nước bốc hơi mạnh, mặn kéo dài nhưng vườn chanh không hạt vẫn đủ nước tưới nhờ trữ đủ nước trong ao mương và tưới tiết kiệm”.

    Để chủ động trữ ngọt, ngăn mặn; nhà vườn theo dõi, cập nhật thường xuyên diễn biến, dự báo mặn trên các nhóm zalo của xã, thị trấn và huyện, trên facebook Kế Sách ngày mới để quyết định khi nào lấy nước, khi nào ngưng lấy nước.

    Nhằm hỗ trợ nhà vườn vận hành hệ thống tưới tiết kiệm cho vườn cây, Chi nhánh Điện lực và Phòng Nông nghiệp và PTNT Kế Sách đã tạo điều kiện giúp nhà vườn đăng ký đồng hồ điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nói chung, hoạt động của hệ thống tưới tiết kiệm nói riêng.

    Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện Kế Sách tiếp tục hướng dẫn, nhân rộng việc thiết kế, tận dụng ao mương để trữ nước; ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nhằm thích ứng với hạn, mặn ngày càng xảy ra thường xuyên và gay gắt hơn./.

Vũ Bá Quan - Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1338378