Lượt xem: 469
Nuôi ARTEMIA - Nghề đặc thù trên ruộng muối ở Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng
Sóc Trăng có điều kiện địa lý tự nhiên thuận lợi và đặc thù, với 72 km bờ biển chạy dài, có tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi các giống loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế trong các môi trường nước ngọt, mặn, lợ; trong đó Artemia là đối tượng nuôi đặc thù của tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời với sự hướng dẫn, chuyển giao trong thời gian dài của các nhà khoa học cùng với kinh nghiệm trong sản xuất của các hộ nuôi Artemia đã tạo ra sản phẩm Artemia Vĩnh Châu danh tiếng.
         Artemia là thức ăn tươi sống không thể thiếu được trong khâu sản xuất giống thủy sản. Trứng bào xác Artemia là yếu tố quyết định tới sự sống còn trong giai đoạn đầu của con giống thủy sản, bởi phần lớn ấu trùng các loài thủy sản là bắt mồi chủ động, thức ăn chủ yếu là tảo hoặc động vật phù du sống. Tuy nhiên, trong số tất cả các động vật phù du, Artemia là loài duy nhất có thể thương mại hóa để làm thức ăn cho con giống thủy sản do có hàm lượng dinh dưỡng cao, đồng thời có thể chuyển thành trạng thái bào xác (trứng nghỉ) các trứng chứa phôi có thể ngủ đông, chỉ đánh thức khi gặp điều kiện thuận lợi. Do vậy, các trứng bào xác này có thể đóng gói, lưu trữ trong thời gian dài và chỉ cần được ấp trong điều kiện thích hợp, ấu trùng sẽ nở ra trở thành thức ăn tươi sống cho tôm, cá. 
         Artemia có sức sống mãnh liệt, có thể tồn tại trong môi trường nước có độ mặn cao hơn nước biển thông thường,... Artemia có thể sống tốt ở nước biển tự nhiên và những nơi có độ mặn cao (độ mặn cao hơn 70‰). Nhưng nếu độ mặn ở mức 250‰ trở lên, Artemia sẽ khó trao đổi chất, thậm chí chết đồng loạt do môi trường vượt ngưỡng chịu đựng.
         Năm 1982, Artemia mới được du nhập vào Việt Nam và bước đầu được nuôi thử nghiệm trên ruộng muối ở Cam Ranh, Nha Trang. Đến năm 1984, trường Đại học Cần Thơ thông qua hợp tác quốc tế đã du nhập giống Artemia nuôi ở Vĩnh Châu thuộc loài Artemia franciscana (SFB) có nguồn gốc từ Vịnh San Francisco, Hoa Kỳ được tiến hành thí nghiệm nuôi Artemia thu trứng bào xác ở vùng ven biển thuộc khu ruộng muối các xã Lai Hòa, Vĩnh Tân và phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
          Quá trình nghiên cứu, thuần hóa đã biến Artemia gần như thành dòng bản địa của Việt Nam với nhiều đặc tính khác biệt so với giống gốc. Chẳng hạn, Artemia Vĩnh Châu có khả năng chịu nóng cao hơn, có thể cho trứng bào xác cao hơn ở độ mặn thấp hơn, kích thước nhỏ hơn 5-6% so với giống gốc. Với đặc tính kích thước nhỏ, phù hợp với kích cỡ miệng đa số loài ấu trùng thủy sản, cùng với hàm lượng axit béo không no cao (HUFA) đã giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trứng bào xác Artemia Vĩnh Châu trên thị trường thế giới.
          Đến năm 1990, quy trình nuôi Artemia trên ruộng muối được triển khai sản xuất đại trà cho các hộ diêm dân trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu và nơi đây trở thành vùng trọng điểm cung cấp trứng bào xác Artemia chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài nước. 
         Hiệu quả của quy trình không những thành công về lĩnh vực khoa học kỹ thuật (thành công trong sản xuất ra trứng bào xác) mà còn góp phần thiết thực nâng cao thu nhập cho người làm muối, lợi nhuận cao gấp 4-5 lần so với nghề sản xuất muối truyền thống, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm hộ sản xuất muối ven biển thị xã Vĩnh Châu. 
         Từ năm 1996 đến nay, đối tượng Artemia Vĩnh Châu được các chuyên gia và địa phương đã có nhiều đề tải nghiên cứu, các dự án sản xuất, chương trình hợp tác đầu tư để phát triển Artemia Vĩnh Châu nhằm tăng năng suất, sản lượng, đồng thời cải thiện hoạt động khuyến nông để nâng cao hơn nữa sự hiểu biết về quy trình kỹ thuật nuôi, cũng như hiệu quả kinh tế cho người sản xuất Artemia trên ruộng muối Vĩnh Châu, sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường thích ứng trong điều kiện biến đổi khi hậu…
         Đến tháng 12/2020, sản phẩm Artemia đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đây là cơ hội để nâng cao danh tiếng và chất lượng sản phẩm Artemia Vĩnh Châu. 
         Những năm qua người dân làm muối trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu bên cạnh muối, người dân ở đây còn thu hoạch thêm một sản phẩm khác từ những ruộng muối là trứng bào xác Artemia. Hằng năm, tỉnh Sóc Trăng có khoảng 413 ha diện tích nuôi Artemia với trên 279 hộ nuôi đạt sản lượng trứng tươi 8,2 tấn, giá bán 1.150.000 đ/kg; sản lượng sinh khối khoảng 40 tấn giá bán 25.000 đ/kg.
         Sản phẩm Artemia làm ra dễ bán ra thị trường, được các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sấy trứng Artemia…hỗ trợ đầu tư con giống và hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi Artemia, đồng thời bao tiêu sản phẩm hoặc người nuôi có thể tự bán ra bên ngoài.
         Để tạo điều kiện cho nghề nuôi Artemia đem lại hiệu quả trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp thì người nuôi Artemia cần lưu ý như sau: 
         - Có biện pháp tích trữ nước mặn để rút ngắn thời gian chuẩn bị xuống giống.
         - Tuân thủ mùa vụ theo khuyến cáo của ngành và theo dõi dự báo thời tiết.
         - Quản lý nguồn nước cấp để tránh sử dụng nguồn nước thải từ khu nuôi tôm, nước bị ô nhiễm nhằm hạn chế thiệt hại cho ao nuôi Artemia.
         - Áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới để tăng năng suất, xây dựng công trình đảm bảo nguồn nước sạch đã được gây tảo, hạn chế sử dụng phân gà, tăng cường sử dụng thức ăn công nghiệp và cám ủ men vi sinh…
         - Thu Artemia sinh khối đúng thời điểm và nuôi luân canh đối tượng phù hợp trong mùa mưa.
         Đề sản xuất Artemia phát triển tốt hơn trong thời gian tới, người nuôi mong muốn kiến nghị đến các cấp chính quyền và các cơ quan nghiên cứu:
         - Có chính sách phát triển bền vững, quy hoạch vùng nuôi Artemia, đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp.
         - Quản lý chặt chẽ tình trạng ô nhiễm môi trường.
         - Tập huấn chuyển giao công nghệ giúp người nuôi áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới.
         - Tạo điều kiện liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định…
         Hy vọng nghề sản xuất Artemia trên ruộng muối ở Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng sẽ được phát triển tốt hơn và sản phẩm trứng bào xác sẽ được vươn ra nhiều nước trong thời gian tới./.
Trần Ngọc Tuấn - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1478150