Lượt xem: 8364
Quy định về kê khai hoạt động chăn nuôi trong Luật Chăn nuôi
    Ngày 19/11/2018, Luật Chăn nuôi được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.     Luật Chăn nuôi quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi. ...     Tại Khoản 1 Điều 54 Luật Chăn nuôi quy định tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi với Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp xã.
    Theo đó, nghĩa vụ kê khai với UBND được đặt ra cụ thể với:
    - Tổ chức, cá nhân sở hữu đực giống để phối giống trực tiếp nhằm mục đích thương mại phải kê khai đực giống;
    - Cơ sở sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi;
    - Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi.
    Ngày 30/11/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 23/TT-BNNPTNT, hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi.
    Tại Điều 4 của Thông tư số 23/TT-BNNPTNT quy định về kê khai hoạt động chăn nuôi, cụ thể như sau:
    1. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi về loại, số lượng vật nuôi theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
    2. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi từ ngày 25 đến ngày 30 của tháng cuối quý theo biểu mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
    Bên cạnh đó, Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ, về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
    Các hộ sản xuất bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng tất cả các điều kiện (điều 4) sau:
    1. Sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương.
    2. Có đăng ký kê khai ban đầu được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) và nuôi trồng thủy sản (theo Mẫu số 6 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này) hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có). Các hộ chăn nuôi tập trung kê khai trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi; trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản kê khai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào kê khai. Các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện kê khai và được xác nhận ngay khi thực hiện nuôi trồng.
    3. Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.
    4. Thời điểm xảy ra thiệt hại:
        a) Đối với thiên tai: Trong thời gian xảy ra thiên tai trên địa bàn được Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương xác nhận;
        b) Đối với dịch bệnh: Trong khoảng thời gian từ khi công bố dịch đến khi công bố hết dịch. Trường hợp đặc biệt, ngay từ khi phát sinh ổ dịch đầu tiên (chưa đủ điều kiện công bố dịch) cần phải tiêu hủy gia súc, gia cầm theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch để hạn chế dịch lây lan thì thời điểm xảy ra thiệt hại là khoảng thời gian từ khi phát sinh ổ dịch đến khi kết thúc ổ dịch.
    Theo như quy định trên nếu hộ không kê khai thì sẽ không được hỗ trợ theo quy định.
    Đề nghị người chăn nuôi thực hiện việc kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND cấp xã để vừa đảm bảo đúng quy định về việc kê khai hoạt động chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi, vừa được hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP khi có thiên tai, dịch bệnh. Bên cạnh đó còn giúp cho nhà nước quản lý được hoạt động chăn nuôi cũng như có những chính sách điều tiết hoạt động chăn nuôi nhằm góp phần đưa ngành chăn nuôi ngày càng phát triển và ổn định.
Phạm Minh Tú - Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Mỹ Tú
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1330482