Lượt xem: 1494
Quy định về kê khai giá, niêm yết giá hàng hóa
Ngày 19/6/2023 Quốc hội thông qua Luật giá (Luật 16/2023/QH15) có hiệu lực từ 01/7/2024, thay cho Luật giá 2012, sau đây xin giới thiệu nội dung theo quy định của Luật có liên quan trực tiếp đến việc kê khai giá, niêm yết giá tại các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, đồng thời đề xuất một số cách niêm yết giá để các đại lý tham khảo thực hiện.
    Kê khai giá: là việc tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc trường hợp phải kê khai giá gửi thông báo mức giá sau khi định giá, điều chỉnh giá cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường (khoản 14 Điều 4 Luật giá). 
    Niêm yết giá: là hình thức công khai mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nhằm bảo đảm thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền (khoản 15 Điều 4 Luật giá).
    Theo Điều 9 của Luật giá, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ:
    - Lập phương án giá hoặc báo cáo đánh giá chi tiết về các yếu tố hình thành giá hàng hóa, dịch vụ hoặc cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ số liệu, tài liệu có liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ việc định giá hoặc triển khai, áp dụng các biện pháp quản lý, điều tiết giá khác theo quy định của Luật này.
    - Chấp hành văn bản định giá, biện pháp bình ổn giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
    - Kê khai giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.
    - Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.
    - Giảm giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh phù hợp với các chính sách miễn, giảm thuế, phí nhằm hỗ trợ người tiêu dùng.
    - Công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.
    - Giải quyết kịp thời các khiếu nại về giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh; bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định của pháp luật.
    Qua đó cho thấy kê khai giá, niêm yết giá là nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ. Vậy việc kê khai giá, niêm yết giá phải thực hiện như thế nào?
    1. Về kê khai giá
    Theo Điều 28 của Luật giá về kê khai giá
    Hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá bao gồm:
    a) Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, đối với lĩnh vực nông nghiệp  (theo Phụ lục số 01 Luật giá), gồm:
    - Thóc tẻ, gạo tẻ;
    - Phân đạm; phân DAP; phân NPK;
    - Thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản;
    - Vắc - xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm;
    - Thuốc bảo vệ thực vật.
    b) Hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu để các tổ chức định mức giá cụ thể bán cho người tiêu dùng (Phụ lục số 02 Luật giá);
    c) Hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp quyết định theo giá tham chiếu;
    d) Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác do Chính phủ ban hành, đối với lĩnh vực nông nghiệp gồm:
    - Thuốc thú y để tiêu độc, sát trùng, tẩy trùng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản;
    - Đường ăn bao gồm đường trắng và đường tinh luyện;
    - Muối ăn.
   (Theo Phụ lục V Nghị định 85/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật giá).
    Theo quy định tại Nghị định 85/2024/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Danh sách tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá (gọi tắt là Danh sách kê khai giá) định kỳ trước ngày 15 tháng 02 hàng năm và đăng tải Danh sách này trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thời hạn tối đa 05 ngày kể từ thời điểm ban hành          Danh sách kê khai giá
    Tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng kê khai giá có trách nhiệm gửi văn bản kê khai giá cho cơ quan tiếp nhận kê khai giá (do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân công) trong thời gian tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày quyết định giá.
    - Trường hợp tổ chức kinh doanh chỉ thực hiện bán buôn thì kê khai giá bán buôn; trường hợp tổ chức kinh doanh chỉ thực hiện bán lẻ thì kê khai giá bán lẻ;
    - Trường hợp tổ chức kinh doanh vừa thực hiện bán buôn, vừa thực hiện bán lẻ thì kê khai cả giá bán buôn và giá bán lẻ;
    Mẫu văn bản kê khai giá thực hiện theo Phụ lục VI Nghị định 85/2024/NĐ-CP.
    2. Về niêm yết giá
    Theo Điều 29 của Luật giá về niêm yết giá:
    - Giá niêm yết là giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) của hàng hóa, dịch vụ đó do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định bằng Đồng Việt Nam. Giá niêm yết được gắn với số lượng hoặc khối lượng hàng hóa, dịch vụ phù hợp.
    - Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ niêm yết giá bảo đảm rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng các hình thức: in, dán, ghi thông tin trên bảng, giấy hoặc in trực tiếp trên bao bì của hàng hóa hoặc các hình thức phù hợp với điều kiện thực tế tại địa điểm bán hàng hóa thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
    - Các tổ chức, cá nhân không được bán cao hơn giá niêm yết; đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cụ thể thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải niêm yết và bán đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá ban hành; Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ điều chỉnh mức giá niêm yết ngay khi có sự thay đổi về giá của hàng hóa, dịch vụ.
    Để bảo đảm các yêu cầu về niêm yết giá theo quy định, đề xuất việc niêm yết giá tại điểm buôn bán của các cơ sở kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi - thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản) như sau:
    - Dán, ghi giá cụ thể lên từng đơn vị hàng hoá trưng bày trong tủ hàng, trên kệ hàng.
 (Hình minh hoạ: dán, ghi giá cụ thể lên từng đơn vị hàng hoá)
    - Dán giá hàng hoá bên ngoài tủ trưng hàng, kệ hàng đại diện cho từng mặt hàng được trưng bày theo nhóm
(Hình minh hoạ: dán giá hàng hoá theo từng mặt hàng trưng bày trong tủ)
    - Ghi giá hàng hoá lên bảng treo trên vách nơi dễ nhìn thấy (hình thức này phù hợp với hàng hoá chứa trong bao gói có khối lượng 5kg, 10 kg, 20kg, 25 kg, 50kg).  
(Hình minh hoạ: Ghi giá hàng hoá lên bảng treo trên vách nhà)
    - Lập bảng giá theo danh sách các mặt hàng bày bán trong cơ sở (bằng cách viết tay hoặc in máy), sau đó dán bảng giá này lên tủ, kệ trưng bày hàng hoá.
(Hình minh hoạ: lập bảng giá theo danh sách các mặt hàng được bày bán)
    Tuỳ theo điều kiện thực tế tại cửa hàng, người kinh doanh hàng hoá lựa chọn hình thức niêm yết giá phù hợp như đã đề xuất ở trên, hoặc chọn kết hợp nhiều hình thức niêm yết giá khác nhau để bảo đảm yêu cầu: mỗi mặt hàng theo từng quy cách đóng gói được bày bán đều được niêm yết đúng giá bằng đồng Việt Nam thuận tiện cho việc quan sát, không gây nhầm lẫn cho khác hàng./.
Trần Phùng Hoàng Quân - Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1748100