Lượt xem: 2983
LÀM GIÀU TỪ MÔ HÌNH NUÔI DÊ
         Ông Trần Văn Bền, ngụ ấp Phương Bình 2, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng có thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm nhờ mô hình chăn nuôi dê. Ông bắt đầu thực hiện mô hình từ năm 2013.
         Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi dê của gia đình, ông Bền cho biết, mấy hôm trước, gia đình vừa xuất bán gần 10 con dê giống cho khách. Hiện trong chuồng còn gần 70 con đang được nuôi nhốt trong 3 chuồng. “Khi mới khởi nghiệp với mô hình, gia đình tôi chỉ có trong tay 07 con dê. Trong những ngày đầu nuôi dê, tôi cũng gặp không ít khó khăn vì phải tính toán làm thế nào để đàn dê phát triển tốt và có đầu ra ổn định. Nhưng tôi quyết tâm với mô hình này nên những trở ngại ban đầu rồi cũng trôi qua. Kết quả qua nhiều năm tích cực thực hiện chăm sóc, đàn dê của gia đình tôi cũng tăng lên đến 80 con, vào những lúc cao điểm, đàn dê của gia đình lên tới hơn 100 con” - ông Bền bộc bạch.
         Thời gian đầu thực hiện mô hình, ông Bền gặp không ít khó khăn, vì chưa có kinh nghiệm. Song, ông không nản chí, vừa nuôi dê vừa học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc. Gần đây nhờ hỗ trợ thêm kỹ thuật của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Mỹ Tú, ông đã yên tâm hơn so với lúc ban đầu. Bên cạnh đó, ông thường xuyên xem đài, đọc báo trên các trang mạng xã hội hướng dẫn về kỹ thuật các mô hình chăn nuôi, đặc biệt là nuôi dê nên ông Bền đã từng bước nắm vững kỹ thuật chăm sóc, phát triển đàn dê của gia đình. Từ đó, đàn dê của ông không ngừng tăng số lượng qua mỗi đợt sinh sản và phát triển tốt.
         Để đảm bảo đủ nguồn thức ăn cho đàn dê sinh trưởng tốt, ông Bền đã mạnh dạn chuyển đổi 1 công đất trồng tràm sang trồng cỏ và mở rộng, xây dựng thêm chuồng trại. Hiện nay, đàn dê của ông cho thu nhập quanh năm. Mỗi tháng, ông đều có xuất bán dê giống và dê thịt, mỗi năm ông thu nhập trên 200 triệu đồng từ việc nuôi dê. 
         Chia sẻ với chúng tôi về đầu ra của con dê, ông Bền nói “Hiện nay, thị trường tiêu thụ dê thịt khá “rộng cửa” khi có nhiều thương lái đến gia đình để tìm mua dê tận chuồng. Theo đó, dê xuất chuồng có trọng lượng từ 25 - 40kg/con, bán với giá từ 90.000 - 110.000 đồng/kg. Ngoài nuôi dê thịt, gia đình tôi còn cung cấp ra thị trường dê giống cho bà con trong và ngoài huyện, cũng như ngoài tỉnh. Dê giống được nuôi khoảng 6 tháng tuổi là có thể xuất bán với giá 3 triệu đồng/con”.
         Nuôi dê nhốt chuồng khá nhàn nên người nuôi vẫn có thời gian làm việc khác; bên cạnh đó dê là loài sinh sản nhanh, khả năng thu hồi vốn chỉ trong một thời gian ngắn. Chuồng trại nuôi dê khá đơn giản, với diện tích khoảng 100m2/chuồng; vật dụng chủ yếu là gỗ tạp, mái lợp lá hoặc tôl. Chuồng dê cần phải cao ráo, cách 1 mét so với mặt đất và làm theo kiểu chuồng sàn. Các thanh gỗ lát sàn có khe hở để bảo đảm phân và nước thải lọt xuống. Đối với dê sinh sản, phải bám sát chu kỳ lên giống và lập sổ ghi chép kỹ lưỡng quá trình phối giống cũng như sinh sản của đàn dê. Cũng theo ông Bền, lợi thế lớn nhất khi nuôi dê là tận dụng được thức ăn có sẵn trong vườn nhà. Vì dê là loài ăn tạp nên không tốn nhiều chi phí để mua thức ăn, chỉ tốn công cắt cỏ và xắt nhỏ thân cây (cây chuối) để cho dê ăn.
         Bên cạnh việc thành công từ nuôi dê, ông Bền thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, đầu tư thêm 20 cặp thỏ giống để quay nhanh thu nhập vì chu kỳ của thỏ ngắn hơn so với dê. Việc nuôi thêm thỏ đã góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình ông Bền.
         Trạm Chăn Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Mỹ Tú đã hỗ trợ vật tư cho gia đình ông Bền thực hiện mô hình ủ phân compost. Phân compost không gây ra mùi hôi thối, ô nhiễm. Phân sau khi ủ được bón cho vườn cây ăn trái với đủ loại từ na, nhãn… đến cỏ trồng, từ đó tiết kiệm thêm chi phí, vừa thân thiện với môi trường.
         Ông Đặng Minh Phương – Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Phú cho biết, chăn nuôi dê và thỏ kết hợp với trồng cây ăn trái hộ gia đình như hộ ông Trần Văn Bền rất phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tại địa phương. Bởi đây là vật nuôi dễ chăm sóc, kỹ thuật nuôi đơn giản, vốn đầu tư thấp, thị trường tiêu thụ ổn định, lại cho thu nhập quanh năm. Phân dê được thu gom, xử lý vừa bảo vệ môi trường vừa có nguồn phân hữu cơ cho cây ăn trái, tiết kiệm chi phí sản xuất. Xã cũng đã thành lập Tổ hợp tác nuôi dê để liên kết sản xuất và mô hình này sẽ được nhân rộng tại địa phương.
         Mô hình nuôi dê, kết hợp thêm nuôi thỏ và trồng cây ăn trái của ông Bền cho thu nhập và lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng mía hay tràm. Bên cạnh đó thì dê, thỏ dễ nuôi, thị trường và giá cả lại rất ổn định. Để phát huy kết quả đạt được, ông Bền dự định sẽ tiếp tục chuyển từ đất trồng mía, tràm sang trồng cỏ, mở rộng mô hình chăn nuôi dê, thỏ và trồng cây ăn trái, tiếp tục làm giàu trên mảnh đất của mình.
 
Phạm Minh Tú - Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Mỹ Tú
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1330384