Lượt xem: 630
MÔ HÌNH “NUÔI TÔM SÚ LÓT BẠT BỜ CÓ HỆ THỐNG SIPHON VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI” ĐẠT KẾT QUẢ KHẢ QUAN
Nhằm giúp nông dân tiếp cận với những phương thức nuôi tôm tiến bộ, nâng cao năng suất, giảm thiểu ô nghiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh và tăng hiệu quả kinh tế cho nông hộ, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển bền vữngMô hình “Nuôi tôm sú lót bạt bờ có hệ thống siphon và xử lý chất thải được Trạm Khuyến nông thị xã Vĩnh Châu triển khai tại khóm 7, Phường 1, thị xã Vĩnh Châu.

    Mô hình được thực hiện tại hộ bà Ngô Thị Ngọc Tuyết, với diện tích 1.000 m2, mật độ thả nuôi ban đầu 30 con/m2. Sau 4 tháng nuôi, tôm đạt tỉ lệ sống 90%, trọng lượng trung bình tôm 30 con/kg. Sản lượng tôm thu được 900 kg. Với giá bán 220.000 đ/kg, đã mang lại lợi nhuận cho gia đình bà Tuyết 85.840.000 đ/1000 m2.

    Kết quả so sánh với các hộ nuôi lân cận cho thấy, tôm của hộ bà Tuyết có tỷ lệ sống cao hơn 10-20%, và giá bán cao hơn các hộ khác 5.000 -10.000 đ/kg do tôm nuôi thông thường không được sạch và bị đóng nhớt (không dùng men vi sinh và không được hút cặn). Theo Trạm khuyến nông thị xã Vĩnh Châu, quy trình nuôi tôm sú lót bạt bờ có hệ thống siphon và xử lý chất thải cũng khá đơn giản và dễ vận hành. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cần lưu ý một số nội dung về mặt kỹ thuật như sau:

    * Cải tạo và chuẩn bị ao

    Đối với ao nuôi tôm lót bạt thì ta cần vệ sinh, thời tiết tốt thì nên phơi nắng từ 2-3 ngày. Phun khử khuẩn bằng clorin nồng độ 10ppm (1kg/1m³) từ đáy, bờ và xung quanh ao. 

    Đào hố đặt siphon ở tâm ao, có độ dốc phù hợp với loại siphon mà bà con đặt. Thiết kế hố siphon dạng chóp nón, khoảng cách từ miệng hố đến đáy: 50cm; Đường kính: 2m, chính giữa hố siphon ghép nối với một ống nhựa PVC Ø75 (Phi 75 có nghĩa là đường kính của ống nhựa là 75mm) được bịt lưới ở đầu ống, làm vậy để hút được chất thải dưới đáy ao nhưng không hút luôn tôm vào; Chôn đường ống xuống dưới đất, cuối ống lắp một van xả thải.

Lắp đặt hệ thống siphon
Điểm trình diễn mô hình 

   * Lấy nước và xử lý nước: Đối với ao lắng thô (1): Nước được bơm trực tiếp vào ao lắng thô qua túi lọc bằng vải kate để đảm bảo không mang địch hại vào ao. Xử lý nước bằng Chlorine nồng độ 20 ppm. Sau 15 ngày, xử lý vôi đá xay 15 kg/1.000m3, sau đó bơm vào ao lắng 2. Ao lắng tinh (2): Bổ sung vôi nông nghiệp liều 25 kg/1.000m3; Khoáng chất 10 kg/1.000m3 Sau 7 ngày đưa nước vào ao nuôi.

    * Bảng chỉ tiêu môi trường được kiểm tra trước khi thả giống

Chỉ tiêu

Ao mô hình

pH

7,5

Oxy hòa tan (DO,mg/l)

>= 5

Nhiệt độ nước

38 – 30

Độ kiềm (mg/l)

140

Canxi (mg/l)

120

Magie (mg/l)

360

    * Giai đoạn nuôi thương phẩm

     - Sau khi kiểm tra các yếu tố môi trường ổn định thì tiến hành thả giống, lượng giống thả: 30.000 con.

     + Trong tháng đầu thả nuôi:

    Tuần đầu tiên, Cho tôm ăn: cám gạo, bột đậu ủ với men vi sinh EM liều: 5 lít/cữ (02 lần/ngày). Tuần thứ 2 đến cuối tháng, cho tôm ăn thức ăn số 1 ( 03 lần/ngày).

     + Từ tháng thứ 2 trở về sau: Cho tôm ăn 4 lần/ ngày (Sáng, trưa, chiều, tối). Siphon hút 1 lần/ngày vào buổi chiều mát để loại bỏ vỏ lột, tôm yếu, chất hữu cơ,... Cấp bổ sung nước từ 10 - 20% lượng nước sau khi siphon. Xử lý nước bằng men vi sinh EM tỏi và EM xử lý môi trường.

      + Công dụng men vi sinh EM:  

·      Khống chế tảo và đặc biệt là tảo lam

·      Ức chế vi khuẩn phát triển

·      Khống chế khí độc NH3, H2S trong ao

·      Nong to đường ruột tôm, giúp tiêu hóa tốt thức ăn

      + Liều lượng:

     - Xử lý môi trường: 6 - 10 lít/1.000m3 nước (sử dụng 5 ngày/lần vào buổi tối)

     - Dùng EM tỏi: 10 - 20 ml/kg thức ăn.

    Hàng tuần kiểm tra sức khỏe tôm, môi trường nước ao nuôi như: độ mặn, độ pH, hàm lượng oxy hòa tan, hàm lượng NO2, NH3, kiềm và xem nhật ký. Kiểm tra tình trạng tôm như: kiểm tra phân trong vó, kiểm tra gan tôm, đường ruột...

Hội thảo tổng kết mô hình
     Mô hình được thực hiện rất phù hợp trong bối cảnh chất lượng nước và môi trường ao nuôi ngày càng ô nhiễm, các chi phí về giống, thức ăn, vật tư thiết yếu ngày tăng cao.... Mô hình cũng nhận được sự quan tâm và ủng hộ của chính quyền địa phương. Ông Mã Chí Thọ - Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu đề nghị Trạm Khuyến nông và các cán bộ kỹ thuật tiếp tục nghiên cứu cải tiến và hoàn chỉnh quy trình để hướng dẫn và nhân rộng đến bà con nuôi tôm trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu và một số huyện nuôi tôm nước lợ có điều kiện tương tự
Trần Ngọc Tuấn - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1338482