Lượt xem: 433
CÁC VI PHẠM VỀ IUU VÀ HÌNH THỨC XỬ LÝ
IUU (là viết tắt của các từ Illegal, Unreported and Unregulated fishing), nghĩa tiếng Việt là khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

Theo Hội đồng Liên minh châu Âu (European Community - EC) hoạt động IUU gây tác hại cho môi trường biển, tình hình kinh tế -xã hội của cộng đồng ngư dânnên bắt đầu thực hiện quá trình tham vấn về Quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định từ năm 2007. Ngày 29/9/2008 EC chính thức thông qua quy định bằng Quyết định số 1005/2008, có hiệu lực từ ngày 01/01/2010, từ đó chính thức thiết lập một hệ thống trên toàn EU nhằm ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu các sản phẩm hải sản bị khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định vào thị trường Châu Âu.

Ngày 23/10/2017 EC cảnh báo Thẻ vàng đối với các sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam do chưa kiểm soát được hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo, cùng hệ thống chính trị, các cấp chính quyền quyết liệt vào cuộc nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tiến tới chấm dứt các hành vi IUU, đồng thời có chế tài rất nặng đối với các hành vi vi phạm về IUU.

Theo Điều 60 Luật Thủy sản năm 2017 các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp gồm:

a) Khai thác thủy sản không có giấy phép;

b) Khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển thủy sản cấm khai thác; khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm;

c) Khai thác trái phép loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;

d) Khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác;

đ) Khai thác thủy sản vượt sản lượng theo loài, khai thác sai vùng, quá hạn ghi trong giấy phép;

e) Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

g) Ngăn cản, chống đối người có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát sự tuân thủ các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

h) Chuyển tải hoặc hỗ trợ cho tàu đã được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, trừ trường hợp bất khả kháng;

i) Không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định;

k) Không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định;

l) Tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác thủy sản bất hợp pháp;

m) Không ghi, ghi không đầy đủ, không đúng, không nộp nhật ký khai thác thủy sản, không báo cáo theo quy định;

n) Sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực;

o) Sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực.

Luật cũng nêu rõ: tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Dưới đây nêu một số hành vi vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp trong thực tế và hình thức xử phạt theo quy định tại Nghị định 38/2024/NĐ-CP ngày 05/4/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Khai thác thủy sản không có giấy phép khai thác thủy sản

Hành vi này có mức phạt tiềntừ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (đối vớitàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét đến dưới 12 mét);từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét); từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng (đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét); từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng (tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên).

Khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác

Hành vi này có mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng (đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét đến dưới 12 mét), tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét), từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét), từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên).

Khai thác trái phép loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm I

Hành vi này có mức phạt tiền căn cứ vào khối lượng thủy sản bị khai thác trái phép, tối đa là 200.000.000 đồng. Đơn cử, phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với trường hợp khối lượng thủy sản từ 50 kg đến dưới 60 kg.

Khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của quốc gia khác

Hành vi này có mức phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, đồng thời bị tịch thu tàu cá vi phạm, bị tịch thu thủy sản khai thác được, bị tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 06 tháng đến 12 tháng.

Khai thác thủy sản sai vùng

Khai thác thủy sản sai vùng là khi tàu được cấp giấy phép khai thác thủy sản ở vùng bờ nhưng đi khai thác ở vùng lộng và vùng khơi, tàu được cấp giấy phép khai thác thủy sản ở vùng lộng nhưng đi khai thác ở vùng ven bờ và vùng khơi; tàu được cấp giấy phép khai thác ở vùng khơi nhưng đi khai thác ở vùng lộng và vùng bờ.

Hành vi này có mức phạt tiền tương ứng từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng (đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét), từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét); từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét), từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên). Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét khai thác thủy sản tại vùng ven bờ, vùng lộng của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác (trừ trường hợp có thỏa thuận giữa UBND hai tỉnh).

Chuyển tải hoặc hỗ trợ cho tàu đã được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, trừ trường hợp bất khả kháng

Là tàu cá có hành vi thăm dò, tìm kiếm, dẫn dụ,vận chuyển thủy sản cho tàu cá không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản hết hạn hoặc không có thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động hoặc không duy trì việc truyền thông tin từ thiết bị giám sát hành trình tàu cá về hệ thống giám sát tàu cá hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá theo quy định khi hoạt động.

Hành vi này có mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng (đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét); từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng (đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét); từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng (đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét); từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng (đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên).

Không vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định

Hành vi này bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng (đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét), từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng (đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên).

Không ghi, ghi không đầy đủ, không đúng, không nộp nhật ký khai thác thủy sản

- Ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ nhật ký khai thác thủy sản

Hành vi này bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (đối vớitàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét), từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (đối vớitàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét), từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (đối vớitàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên).

- Không có hoặc không ghi hoặc không nộp nhật ký khai thác thủy sản

Hành vi này bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 (đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét), từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (đối vớitàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét), từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (đối vớitàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên).

Lưu ý:

Mức phạt đã nêu được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Ngoài các mức phạt tiền, người vi phạm có thể bị áp dụng hình thức phạt bổ sung như tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng, tịch thu thủy sản khai thác.

Một số hành vi có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạmtheo Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng thẩm phát toà án nhân dân tối caohướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản./.
Trần Phùng Hoàng Quân - Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1544577