Tình hình dịch hại trên lúa tỉnh Sóc Trăng (Từ ngày 21/8/2024 đến 28/8/2024) và dự báo dịch hại tuần tới
1. Tình hình sản xuất
- Vụ Hè Thu 2024: đã thu hoạch 61.237 ha (tăng 14.710 ha so với tuần trước), đạt 44% diện tích, năng suất bình quân ước đạt 57,8 tạ/ha, sản lượng 353.950 tấn.
Trên lúa trổ chín ghi nhận có 65 ha bị đổ ngã, mức độ ảnh hưởng <30% tại huyện Long Phú do mưa nhiều, cục bộ mưa to đến rất to.
- Vụ Mùa 2024: xuống giống 2.357 ha (tăng 673 ha so với tuần trước) tại TX. Vĩnh Châu (2.326 ha) và huyện Mỹ Xuyên (31 ha); các giống chủ yếu gồm tài nguyên, nhóm lúa ST, ...
- Vụ Thu Đông 2024: đã xuống giống 3.779,5 ha, diện tích phát sinh trong tuần 243 ha tại huyện Châu Thành; cao hơn 1.944,5 ha so với CKNT do giá lúa cao nên nông dân tranh thủ xuống giống vụ Thu Đông.
2. Tình hình dịch hại trong tuần
- Lúa Hè Thu 2024 nhiễm dịch hại 5.633 ha (giảm 1.726 ha so với tuần trước), cụ thể:
+ Rầy nâu: nhiễm 376 ha (giảm 41 ha), mật số phổ biến 1.000 – 1.500 con/m2; trên lúa giai đoạn đòng - trổ tại huyện Thạnh Trị và TP. Sóc Trăng.
+ Bệnh đạo ôn lá: nhiễm 303 ha (giảm 352 ha), trong đó có 2 ha nhiễm nặng (>20 – 40% lá bệnh), chủ yếu trên giống OM18, Đài Thơm 8, tập trung tại xã Thạnh Phú và thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên.
+ Bệnh cháy bìa lá: nhiễm 858 ha (giảm 309 ha), phổ biến mức độ nhẹ - trung bình.
+ Bệnh lem lép hạt: nhiễm 1.489 ha (giảm 497) tập trung trên trà lúa giai đoạn trổ của huyện Long Phú và Trần Đề.
Ngoài ra, trên trà lúa giai đoạn đòng - trổ các còn ghi nhận các đối tượng dịch hại nhiễm trung bình như đạo ôn cổ bông (49 ha), chuột (12 ha),..
- Lúa Thu đông: dịch hại chủ yếu sâu cuốn lá, sâu đục thân, ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá gây hại nhẹ với tổng diện tích nhiễm 298 ha (tăng 97 ha) tại huyện Mỹ Tú, Châu Thành và TX. Ngã Năm.
3. Dự báo dịch hại trong tuần tới
- Rầy nâu: phổ biến tuổi trưởng thành và có hiện tượng gối lứa. Trên các trà lúa trổ chín cần khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên, kiểm tra kỹ gốc lúa để phòng trị kịp thời hạn chế cháy rầy cục bộ.
- Dự báo thời gian tới khả năng mưa xuất hiện vào trưa chiều và tối, trà lúa tập trung giai đoạn đòng đến trổ nên khả năng các bệnh do nấm và vi khuẩn tiếp tục phát sinh, phát triển và tăng diện tích nhiễm trung bình đến nặng. Khuyến cáo đối với bệnh đạo ôn cổ bông và lem lép hạt cần chủ động phun ngừa vào thời điểm lúa trổ lác đác và trổ đều.
- Áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ (AWD) để hạn chế đổ ngã, giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa.
4. Công tác quản lý, chỉ đạo trong thời gian tới
- Tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất, dịch hại, ... trên các loại cây trồng nhằm chủ động phát hiện và có biện pháp quản lý kịp thời.
- Báo cáo tình hình rầy nâu di trú vào bẫy đèn hàng ngày.