Lượt xem: 3795
Kế Sách: Bệnh Mốc hồng phát triển mạnh trên cây bưởi
Cây bưởi là một trong các loại cây trồng chủ lực của huyện Kế Sách. Diện tích trồng bưởi của huyện hiện nay là 1.367 ha, tập trung tại các xã Kế Thành, Kế An, Ba Trinh. Tại xã Kế Thành cây bưởi được tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết và bưởi Năm Roi, bưởi Da Xanh xã Kế Thành được chứng nhận là sản phẩm OCOP hạng 4 sao. Cây bưởi đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế khá cho nhà vườn tại các vùng sản xuất tập trung.
    Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, vùng trồng bưởi tại xã Kế Thành và các khu vực lân cận bệnh mốc hồng (tên khác: bệnh nấm hồng)  phát sinh, phát triển mạnh và lây lan nhanh. Bệnh gây hại trên nhánh và lá cây bưởi làm ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng, phát triển của cây, giảm năng suất và chất lượng trái.
Qua khảo sát thực tế, tất cả các vườn trồng bưởi đều xuất hiện bệnh với tỷ lệ cành bệnh từ 10-30%. Các vườn bưởi trồng dày, thiếu ánh sáng, độ ẩm cao thường có tỷ lệ bệnh cao hơn. Cả 2 giống bưởi Năm Roi và bưởi Da Xanh đều xuất hiện bệnh tương đương nhau ở giai đoạn cây trưởng thành.
    Triệu chứng ban đầu xuất hiện trên nhánh trưởng thành là những mảng màu trắng bao xung quanh nhánh cây (giống như bệnh dán cao trên cây trà, cao su), vết bệnh phát triển dọc theo nhánh về cả 2 chiều với độ dài có thể lên đến 20-50cm (Hình 1). Sau đó, vết bệnh chuyển từ màu trắng sang màu xám và cuối cùng là màu đen (Hình 2). Trường hợp bệnh nặng, vết bệnh có thể lan sang cả lá bưởi (Hình 3), sau đó nhánh sẽ bị suy yếu và chết khô. So với trước đây, triệu chứng bệnh mốc hồng hiện nay ghi nhận có một số khác biệt: (1) bệnh không chỉ xuất hiện ở các cháng ba (nơi thường có ẩm độ cao hơn do nước đọng lại) như thường thấy mà xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cành; (2) giai đoạn vết bệnh có màu hồng ít xuất hiện; và (3) tỷ lệ bệnh cao hơn nhiều so với trước đây. Có thể do những thay đổi của thời tiết và ảnh hưởng mặn khiến cây suy yếu nên dễ nhiễm bệnh và mức độ bệnh nặng hơn?
Hình 1: Vết bệnh phát triển dọc theo nhánh
Hình 2: Màu sắc vết bệnh
Hình 3: Vết bệnh trên lá

    Phòng Nông nghiệp và PTNT Kế Sách đã phối hợp cùng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khảo sát sự phân bố, tình trạng bệnh, ghi nhận ảnh hưởng của kỹ thuật canh tác đến sự phát sinh, phát triển của bệnh. Đồng thời, thu thập các mẫu bệnh ở nhiều giai đoạn phát triển của bệnh, gởi đến Bộ môn Bảo vệ thực vật (Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ) để giám định. Kết quả xác định tác nhân gây bệnh là nấm Corticium salmonicolor  gây bệnh mốc hồng dù triệu chứng bệnh có khác so với trước đây.
    Ông Lê Văn Phải, Giám đốc Hợp tác xã Bưởi Thành Công (xã Kế Thành) cho biết nhà vườn đã sử dụng các loại thuốc gốc đồng, Chlorin để trị nhưng hiệu quả phòng trị thấp, bệnh vẫn tái phát. Ông Phải đề nghị cơ quan chuyên môn sớm nghiên cứu xác định tác nhân gây bệnh và đề ra biện pháp quản lý bệnh hiệu quả, an toàn.
    Ngành nông nghiệp đang bố trí các thí nghiệm làm cơ sở để xây dựng quy trình quản lý loại bệnh này hiệu quả hơn.
    Trước mắt, Phòng Nông nghiệp và PTNT Kế Sách khuyến cáo nhà vườn cần thăm vườn thường xuyên, phát hiện bệnh sớm, cắt bỏ các nhánh bệnh; đồng thời, cắt tỉa cây cho vườn thông thoáng, đủ ánh sáng.  Khuyến cáo nhà vườn không nên trồng quá dày đối với vườn trồng mới; hạn chế tưới bằng phương pháp phun trên tán lá.
    Với sự vào cuộc tích cực của ngành chuyên môn, hy vọng bệnh mốc hồng sớm được ngăn chặn và quản lý hiệu quả để nhà vườn yên tâm sản xuất./.
Vũ Bá Quan - Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1329770