Lượt xem: 106
Lãnh đạo Cục Trồng trọt kiểm tra tình hình sản xuất và rà soát diện tích lúa đăng ký tham gia Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao tại tỉnh Sóc Trăng
Sáng ngày 12/3/2024, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Cục Trồng trọt đến kiểm tra tình hình sản xuất và rà soát diện tích đăng ký tham gia Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Dẫn đầu đoàn công tác có ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cùng các thành viên đang công tác tại Cục. Về phía lãnh đạo Sở Nông nghiệp có ông Trần Tấn Phương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc như Chi cục Trồng trọt và BVTV, Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến Nông, Phòng Kế hoạch tài chính Sở.

     Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT đã báo cáo về tình hình sản xuất trong tỉnh, cụ thể lúa Đông Xuân 2023-2024 đã xuống giống 182.002 ha, vượt kế hoạch 8,6%. Trong đó lúa Đông Xuân muộn xuống giống 41.424 ha, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái 34,78%, do giá lúa hấp dẫn nên vụ Đông Xuân muộn phát sinh so với kế hoạch hơn 9.000 ha. Tình hình xâm nhập mặn diễn ra gay gắt nên đã có trên 32 ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn tại huyện Long Phú. Trên cây ăn trái chưa ghi nhận ảnh hưởng do xâm nhập mặn tuy nhiên trong thời gian tới có khả năng thiếu nước ngọt khi độ mặn lên cao và kéo dài.

    Thông tin về diện tích đủ tiêu chí tham gia đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi là đề án 1 triệu héc ta lúa), năm 2024 Sóc Trăng đăng ký tham gia đề án là 33.330 ha, năm 2025 là 38.500 ha và đến năm 2030 mở rộng ra với diện tích 72.000 ha.

    Tại buổi làm việc lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã thông tin đến đoàn công tác tiến độ công việc đã thực hiện trong thời gian qua để xây dựng Kế hoạch thực hiện đề án, nêu một số khó khăn trong quá trình xây dựng kế hoạch như nguồn vốn thực hiện đề án từ nguồn vốn bảo vệ đất lúa quy định tại Nghị định 62/2019/NĐ-CP đã được các địa phương triển khai thực hiện nên năm 2024 khó khăn trong việc bố trí kinh phí. Năng lực tổ chức sản xuất và kinh doanh của các hợp tác xã  sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Một số vùng trong tỉnh có điều kiện tự nhiên đặc thù như Mỹ Tú, Châu Thành là vùng trũng nên việc rút nước giữa vụ sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn,…

    Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt chia sẻ những khó khăn của tỉnh và đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh có văn bản đề xuất tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện để Bộ Nông nghiệp và PTNT có cơ sở xin điều chỉnh cho phù hợp. Ông lưu ý các tỉnh chú ý đề xuất các hoạt động phi công trình như hỗ trợ nâng cao năng lực cho hợp tác xã và nông dân để thực hiện hiệu quả đề án 1 triệu héc ta.

    Buổi chiều đoàn công tác thăm và làm việc tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức huyện Long Phú. Tại đây đoàn cũng trao đổi với lãnh đạo hợp tác xã về hoạt động sản xuất, kinh doanh và những khó khăn đề xuất của hợp tác xã khi tham gia đề án.

    Hy vọng sau chuyến công tác tại các tỉnh, đoàn sẽ nắm được tình hình thực tế thực hiện đề án tại các địa phương và sẽ có những hướng dẫn cụ thể để đề án 1 triệu hécta lúa thực sự mang lại hiệu quả như mục tiêu đã đề ra.

Vương Bích Vân - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1338571