Lượt xem: 77
Tình hình dịch hại trên lúa tỉnh Sóc Trăng (Từ ngày 13/03/2024 đến 19/03/2024) và dự báo dịch hại tuần tới

1. Tình hình sản xuất

     Vụ Đông Xuân 2023 - 2024: xuống giống 182.002/167.640 ha, vượt 8,6% kế hoạch, cao hơn 4,9% so với CKNT (bằng 8.546 ha); đã thu hoạch 118.409 ha (tăng 17.202 ha so với tuần trước), đạt 65% diện tích gieo trồng, năng suất ước đạt 69,7 tạ/ha, cao hơn 3,2 tạ/ha so với CKNT, với sản lượng 824.727 tấn. Đối với diện tích Đông Xuân muộn luỹ kế xuống giống là 41.424 ha, cao hơn 35% so với CKNT (bằng 10.689 ha), trong đó diện tích xuống giống nằm ngoài kế hoạch là 9.426 ha tập trung tại các huyện Long Phú, Trần Đề, Mỹ Xuyên và TP. Sóc Trăng.

     Vụ Hè Thu 2024: đã xuống giống được 568 ha tập trung tại thị xã Ngã Năm.

2. Tình hình dịch hại trong tuần

    Trong tuần, dịch hại chủ trên trà lúa Đông Xuân muộn 2023-2024 với tổng diện tích nhiễm là 4.124 ha (tăng 229 ha so với tuần trước), diện tích tăng chủ yếu do ngộ độc phèn ở một số khu vực ảnh hưởng của xâm nhập mặn; các đối tượng sâu phao, bệnh đạo ôn cổ bông, cháy bìa lá, đốm vằn tăng diện tích nhiễm so với tuần trước. Hầu hết các đối tượng dịch hại nhiễm ở mức độ nhẹ đến trung bình, riêng bệnh cháy bìa lá có xuất hiện diện tích nhiễm nặng 34 ha nhiễm với tỷ lệ >40-50% lá bệnh tập trung tại xã Tân Hưng, huyện Long Phú, trên giống OM5451 và Đài thơm 8.

3. Dự báo dịch hại trong tuần tới           

    Với điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hanh như hiện nay rất thích hợp cho các đối tượng sâu hại phát sinh và phát triển và khả năng gây hại nặng nếu không được phát hiện và phun trừ kịp thời. Vì vậy, khuyến cáo bà con nông dân cần chủ động thăm đồng để nhằm phát hiện sớm các đối tượng dịch hại và có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Cần thường xuyên theo dõi mật số thành trùng (bướm), có biện pháp quản lý phù hợp, hạn chế nhện, bọ rùa, ong ký sinh,…) nhằm tránh bộc phát sâu hại gây hại nặng ở giai đoạn sau làm ảnh hưởng đến năng suất.

    + Qua theo dõi số liệu rầy nâu vào bẫy đèn cao điểm đêm 11/3/2024 là 570 con/bẫy tại Phường 3, thị xã Ngã Năm. Dự báo trong thời tới sẽ có đợt rầy nâu nở và khi gặp điều kiện thích hợp (gieo sạ dày, sử dụng giống nhiễm, …) có khả năng tăng mật số, có hiện tượng gối lứa, nhất là ở trà lúa giai đoạn trổ chín nếu phát hiện kịp thời sẽ gây cháy gầy cục bộ.

    + Đối với bệnh hại khi phát hiện vết bệnh, cần sử dụng thuốc đặc trị để phun trừ, tạm ngưng bón phân đạm, không pha trộn phân bón lá và thuốc trừ bệnh để phun trừ, cần tăng cường bổ sung phân kali đối với cử bón phân đón đòng. Bệnh đạo ôn cổ bông cần phun ngừa vào 2 thời điểm khi lúa trổ lẹt xẹt và lúa trổ đều.

    + Ngoài ra, trên trà lúa Đông Xuân cần quan tâm chú ý các đối tượng dịch hại như lem lép hạt, đốm sọc vi khuẩn, vàng lá chín sớm, đạo ôn cổ bông. Ở trà lúa Đông Xuân muộn, các khu vực thiếu nước ngọt cần chú ý ngộ độc phèn kết hợp với ảnh hưởng do hạn mặn sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất.

4. Công tác quản lý, chỉ đạo trong thời gian tới

    - Tiếp tục thực hiện công tác điều tra giám sát, theo dõi tình hình sản xuất, dịch hại, ... trên các loại cây trồng nhằm chủ động phát hiện và có biện pháp quản lý kịp thời.

    - Thường xuyên kiểm tra tình hình rầy nâu di trú vào bẫy đèn và tổng hợp báo cáo hàng ngày.

Ngô Vương Ngọc Bảo Trân - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1338567