Lượt xem: 557
Một số quy định cơ bản cần biết khi kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có khoảng 400 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y (trong đó khoảng 230 cơ sở có đăng ký kinh doanh thuốc thú y đang hoạt động), với hàng ngàn mặt hàng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y được bày bán trên thị trường. Đây là các mặt hàng ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi của nông hộ, vì vậy các cơ sở kinh doanh, người dân cần biết những quy định của pháp luật đối với mặt hàng này, để tránh mua phải hàng chưa được đăng ký, hàng có chất lượng không đảm bảo. Bài đăng dưới đây nêu một số quy định cơ bản đối với thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi.

1. Đối với Thuốc thú y

Thực hiện theo Luật Thú y năm 2015, Nghị định 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016, theo đó:

Cơ sở sản xuất thuốc thú y phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc thú y,phải đáp ứng điều kiện chung về sản xuất thuốc thú y theo quy định tại Điều 90 Luật Thú y, Điều 12 Nghị định 35/2016/NĐ-CP, phải áp dụng thực hành tốt sản xuất thuốc của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (GMP - ASEAN) hoặc thực hành tốt sản xuất thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (GMP - WHO) hoặc thực hành tốt sản xuất thuốc GMP.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thuốc thú y phải đăng ký lưu hành thuốc thú y với Cục Thú y và được cấp giấy chứng nhận, giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y có giá trị trong thời hạn 05 năm;

Cơ sở kinh doanh thuốc thú y phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y; Người quản lý, người trực tiếp bán thuốc thú y phải có Chứng chỉ hành nghề thú y (giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y, Chứng chỉ hành nghề thú y hiện do Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp, cùng có thời hạn là 05 năm).

Như vậy, nếu muốn kinh doanh thuốc thú y, ngoài việc đăng ký ngành nghề kinh doanh thuốc thú y,cơ sở còn phải làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện mua bán thuốc thú y và chứng chỉ hành nghề thú y, đồng thời chỉ được mua bán các loại thuốc thú y trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam, tuy nhiên, từ khi Thông tư 10/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 ban hành danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam đến nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT chưa ban hành Thông tư thay thế, do đó ngoài danh mục thuốc thu y được ban hành theo Thông tư kể trên, để tra cứu thêm thuốc thú đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành, người dùng có thể vào Website của Cục Thú y (địa chỉ: http://cucthuy.gov.vn) tải danh sách về xem.

2. Đối với thức ăn chăn nuôi

Thực hiện theo Luật Chăn nuôi 2018, Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020, theo đó:

- Thức ăn chăn nuôilà sản phẩm, mà vật nuôi ăn, uống ở dạng tươi, sống hoặc đã qua chế biến bao gồm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung và thức ăn truyền thống.

+ Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh là hỗn hợp của các nguyên liệu thức ăn được phối chế, có đủ chất dinh dưỡng để duy trì hoạt động sống và khả năng sản xuất của vật nuôi theo từng giai đoạn sinh trưởng hoặc chu kỳ sản xuất mà không cần thêm thức ăn khác ngoài nước uống.

+ Thức ăn đậm đặc là hỗn hợp của các nguyên liệu thức ăn có hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn nhu cầu của vật nuôi và dùng để phối chế với nguyên liệu khác tạo thành thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh.

+ Thức ăn bổ sung là nguyên liệu đơn hoặc hỗn hợp của các nguyên liệu thức ăn cho thêm vào khẩu phần ăn để cân đối các chất dinh dưỡng cần thiết cho vật nuôi; duy trì hoặc cải thiện đặc tính của thức ăn chăn nuôi; cải thiện sức khỏe vật nuôi, đặc tính của sản phẩm chăn nuôi.

+ Thức ăn truyền thống là sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến được sử dụng phổ biến theo tập quán trong chăn nuôi bao gồm thóc, gạo, cám, ngô, khoai, sắn, bã rượu, bã bia, bã sắn, bã dứa, rỉ mật đường, rơm, cỏ, tôm, cua, cá và loại sản phẩm tương tự khác.

- Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi phải có giấy đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi do UBND tỉnh hoặc Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp (Bộ cấp giấy đối với các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi bổ sung), giấy này cấp không có thời hạn.

- Đối với cơ sở mua bán thức ăn chăn nuôi không quy định có giấy chứng nhận đủ điều kiện, nhưng phải đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Có trang thiết bị, dụng cụ để bảo quản thức ăn chăn nuôi theo hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất, cung cấp.

+ Nơi bày bán, kho chứa thức ăn chăn nuôi phải tách biệt hoặc không bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất độc hại khác.

+ Có biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại.

- Thức ăn chăn nuôi thương mại (kể cả sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi) trước khi lưu thông trên thị trường phải được công bố thông tin sản phẩm thức ăn chăn nuôi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

+ Đối với thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tự công bố thông tin; Tổ chức, cá nhân truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tự công bố thông tin sản phẩm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc.

+ Đối với thức ăn bổ sung Tổ chức, cá nhân truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nộp hồ sơ đề nghị công bố thông tin sản phẩm, Bộ thẩm định hồ sơ và công bố thông tin sản phẩm.

Thời gian lưu hành của sản phẩm thức ăn bổ sung là 05 năm kể từ ngày sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố trên cổng thông tin điện tử.

+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ về sản phẩm thức ăn truyền thống, nguyên liệu đơn.

Như vậy cơ sở kinh doanh (mua bán) thức ăn chăn nuôi chỉ cần đáp ứng các yêu cầu đã nêu ở trên, không cần có giấy chứng nhận đủ điều kiện, nhưng chỉ được mua bán đối với thức ăn đã được công bố thông tin trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Để tra cứu thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước, người dùng truy cập vào địa chỉ https://dvccn.mard.gov.vn/sites/ccn/tra-cuu-danh-muc/Pages/default.aspx, sau đó thực hiện tìm kiếm theo một trong các thông tin sau: tên thức ăn (hoặc tên thương mại), tên nhà sản xuất, số tiêu chuẩn cơ sở, tên tỉnh thành (các thông tin này xem trên nhãn hàng hoá).

Để tra cứu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, người dùng truy cập vào địa chỉ https://dvc.mard.gov.vn/Pages/dm-tacn-nhap-khau.aspx, sau đó thực hiện tìm kiếm theo 1 trong 4 thông tin sau: tên thức ăn, mã số công nhận, tên nhà sản xuất, nước sản xuất (các thông tin này xem trên nhãn hàng hoá).
Trần Phùng Hoàng Quân - Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1478153