Lượt xem: 367
CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NÔNG NGHIỆP Ở KẾ SÁCH
Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 ngành ưu tiên chuyển đổi số trước.
    Chuyển đổi số nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là ở việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số.
Trên địa bàn huyện Kế Sách, chuyển đổi số trong nông nghiệp đã được ứng dụng với các nội dung cụ thể như sau:
    Thứ nhất, chuyển đổi số giúp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu, dịch hại đến sản xuất.
    Nông dân trong huyện đã được giới thiệu, hướng dẫn cài đặt các ứng dụng quan trắc nguồn nước tự động theo thời gian thực như: Mekong, Nguồn nước Cửu Long, Thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Từ các ứng dụng này nông dân có thể nhận được các thông tin về mực nước trên sông, độ pH, nhiệt độ nước và độ mặn tại các điểm thuộc địa bàn huyện gồm: Vàm Nhơn Mỹ, thị trấn Kế Sách, vàm An Lạc Tây và vàm Cái Trâm; hoặc tham khảo, theo dõi từ xa để đưa ra dự báo từ thông tin của các trạm lân cận như: trạm Đại Ngãi (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng), trạm Đường Đức và trạm Bông Bót (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) … Thông tin về chất lượng nước được cung cấp kịp thời đã giúp nông dân chủ động ứng phó hiệu quả với tình trạng xâm nhập mặn trong các năm qua.
    Nhân viên kỹ thuật nông nghiệp và nông dân có thể theo dõi diễn biến côn trùng vào các bẫy đèn điện tử trên địa bàn huyện, tỉnh thông qua ứng dụng Mekong để dự tính, dự báo; khuyến cáo lịch gieo sạ lúa và đưa ra biện pháp phòng trừ sâu rầy hiệu quả nhất.
    Ngành nông nghiệp huyện đã tập huấn, hướng dẫn rộng rãi nhân dân biết, đăng ký tham gia nhóm zalo, facebook Kế Sách Ngày mới, trang Facebook Phòng chống thiên tai, Phần mềm cảnh báo rủi ro thiên tai (PDG), Đo mưa tự động Vrain (xem lượng mưa lớn nhất theo thời gian thực tại từng xã, phường của tỉnh  có trạm đo mưa của Vrain), Windy.app (dự báo thời tiết, tốc độ gió, áp thấp, bão). Thông qua các ứng dụng trên, người dân có thể tham gia cung cấp các thông tin liên quan đến các hiện tượng thiên tai xảy ra ở địa phương mình cho các cơ quan liên quan, đồng thời nhận các thông tin cảnh báo sớm về thiên tai có thể xảy ra để có kế hoạch ứng phó kịp thời. Thông tin tổng hợp từ phần mềm sẽ được phân tích và làm cơ sở cho việc lập kế hoạch phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai của địa phương.
   
 
Hình 1: Bẫy đèn điện tử 
 Hình 2: Trạm quan trắc chất lượng nước
    Tổng hợp các thông tin về thời tiết, thủy văn, dịch hại, ngành nông nghiệp huyện xây dựng Bản tin thời tiết nông vụ 10 ngày để hướng dẫn nông dân chăm sóc cây trồng, bảo vệ sản xuất. Bản tin được phổ biến đến nông dân thông qua các nhóm facebook, zalo của huyện, xã, ấp, hợp tác xã (HTX).
    Thứ hai, chuyển đổi số nhằm năng suất lao động, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp  
    Hiện nay, các HTX và nhiều nông dân trồng lúa có thể áp dụng việc phun thuốc bảo vệ thực vật từ trên cao bằng drone (máy bay phun thuốc không người lái) với hiệu suất lớn, giúp giảm chi phí sử dụng thuốc (công phun và lượng thuốc), tăng hiệu quả phòng trừ, giảm thiểu độc hại đối với người phun.
    Trong sản xuất cây ăn trái nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, huyện đã xây dựng các mô hình ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh giúp giảm công lao động, tiết kiệm lượng nước tưới, tăng hiệu quả kinh tế.
    Ngành nông nghiệp huyện cũng giới thiệu và hướng dẫn cài đặt trên điện thoại thông minh ứng dụng “Thuốc bảo vệ thực vật” của Cục Bảo vệ thực vật, giúp nông dân chọn lựa được loại thuốc phù hợp nhất để phòng trừ từng đối tượng dịch hại trên mỗi loại cây trồng một cách an toàn, hiệu quả; nông dân cũng có thể tham khảo quy trình phòng trừ một số loại dịch hại phổ biến trong ứng dụng này.
 Hình 3: Phun thuốc cho ruộng lúa bằng drone
    Bên cạnh đó, công nghệ số còn được ứng dụng trong định vị tọa độ vườn cây, ruộng lúa của nông dân tham gia mã số vùng trồng. Một số HTX bước đầu thử nghiệm áp dụng nhật ký canh tác điện tử đối với nông dân tham gia mã số vùng trồng. Nhật ký điện tử là nền tảng để xây dựng truy xuất nguồn gốc, giúp nông dân điều chỉnh kỹ thuật canh tác nhằm giảm chi phí, tối ưu chất lượng sản phẩm.
    Trên địa bàn huyện đã có 8 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng Tem truy xuất nguồn gốc điện tử cho sản phẩm OCOP, các loại trái cây chủ lực như: Vú sữa, bưởi, cam, xoài.  
    Thứ ba, chuyển đổi số giúp nông dân, HTX kết nối trực tiếp với người tiêu dùng
    Ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn hỗ trợ HTX chủ động giới thiệu, bán hàng trên môi trường số như: eHTX, trang web OCOP, Kết nối nông sản (báo Nông nghiệp Việt Nam), website htx.cooplink.com.vn bằng hình thức cầm tay chỉ việc để HTX và nông dân tiêu thụ sản phẩm được nhiều kênh, nhiều phân khúc thị trường. Các sản phẩm như bưởi, vú sữa, nhãn, lúa giống của các HTX tham gia các sàn giao dịch nêu trên.
 
Hình 4: Giới thiệu sản phẩm trên eHTX.soctrang
    Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi số ở huyện Kế Sách còn một số khó khăn, hạn chế sau:
    Như đã trình bày ở phần trên, nông dân, HTX bước đầu ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp ở các khâu từ  sản xuất đến quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên tỷ lệ nông dân tham gia chuyển đổi số còn thấp, việc ứng dụng còn rời rạc, không đồng bộ. Nhận thức, trình độ và kỹ năng ứng dụng công nghệ số còn hạn chế. Khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân (di động 4G, 5G, wifi, hạ tầng kết nối IoT) chưa nhiều.
    Để khắc phục các khó khăn hạn chế trên, ngành nông nghiệp huyện Kế Sách đề ra các giải pháp trong thời gian tới như sau:
    Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các lớp tập huấn phổ biến nội dung, đào tạo kỹ năng chuyển đổi số cho nông dân bằng hình thức cầm tay chỉ việc. Trong đó, tập trung vào nội dung ghi chép nhật ký điện tử; sử dụng sàn thương mại để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Mời các nông dân, HTX đã chuyển đổi số thành công chia sẻ kinh nghiệm của mình.
    Phối hợp giữa các đoàn thể (hội Nông dân, hội Phụ nữ) với các HTX và giữa các HTX với nhau để hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình áp dụng công nghệ.
Vũ Bá Quan - Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1338979