Lượt xem: 129
Kế Sách: Hội thảo đầu bờ mô hình ứng dụng biện pháp bao trái trong sản xuất sầu riêng
Sáng ngày 14/5/2024 tại xã Ba Trinh, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp cùng Hợp tác xã Trinh Lợi tổ chức Hội thảo đầu bờ Mô hình ứng dụng biện pháp bao trái trong sản xuất sầu riêng. Tham dự hội thảo gồm đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Kế Sách; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Ba Trinh; nhân viên Trồng trọt và Bảo vệ thực vật của các xã có trồng sầu riêng; đại diện lãnh đạo các hợp tác xã nông nghiệp trong huyện và thành viên Hợp tác xã Trinh Lợi.

Báo cáo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tại hội thảo cho biết mục tiêu của mô hình bao trái sầu riêng nhằm giúp nhà vườn sản xuất trái sầu riêng có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật; đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Đối với côn trùng gây hại, bao trái nhằm ngăn chặn sự gây hại của rệp sáp (đối tượng kiểm dịch), sâu đục trái.

Biện pháp bao trái bảo vệ sức khỏe cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng theo phương châm “an toàn từ nông trại đến bàn ăn” nhờ giảm số lần phun thuốc trừ sâu, bảo đảm thời gian cách ly đối với thuốc bảo vệ thực vật.

Trong quá trình thực hiện, bước đầu chọn được loại túi bao lưới cước có kích thước 40x50 cm là phù hợp để bao trái sầu riêng. Các loại túi bao bằng lưới mùng, túi bao bằng vải không dệt khó thao tác khi bao do bị dính vào gai và túi bị rách bởi các gai trên vỏ trái trong quá trình trái phát triển. Thời điểm thích hợp để bao là 45 ngày sau khi đậu trái.

Để ngăn rệp sáp xâm nhập vào trái, miệng túi bao phải được buộc thật chặt bằng thủ công nên việc bao trái tốn nhiều công lao động. Trung bình năng suất bao trái là 300 trái/người/ngày công, tương đương với chi phí bao trái khoảng 8 triệu đồng/ha.

Quan sát thực tế cho thấy các trái được bao bằng túi lưới cước có màu sắc đẹp hơn (sạch và sáng), không bị nhiễm rệp sáp, sâu đục trái; trái phát triển bình thường; đạt các tiêu chuẩn để xuất khẩu trái tươi.

Từ báo cáo kết quả thực hiện và quan sát thực tế tại vườn sầu riêng mô hình, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi xung quanh các nội dung như: (1) tiếp tục thử nghiệm thêm các loại túi bao chuyên dùng khác để tìm ra loại túi bao phù hợp nhất; (2) tự may túi bao trái để giảm giá thành; (3) nghiên cứu, thử nghiệm dụng cụ bao trái trên sầu riêng để giảm công lao động bao trái; và (4) hạch toán kinh tế đầy đủ (nhất là yếu tố mẫu mã, chất lượng và giá bán của trái trong và ngoài mô hình) để mô hình mang tính thuyết phục cao hơn.

Với những kinh nghiệm bao trái được thực hiện thành công ở huyện Kế Sách trên các cây như mận, vú sữa, xoài, ổi, mít… và kết quả ban đầu của mô hình, hy vọng bao trái trên cây sầu riêng sẽ tiếp tục được hoàn thiện và áp dụng thành công trên diện rộng trong thời gian tới.

Vũ Bá Quan - Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1424950