Lượt xem: 166
Khuyến cáo: Một số giải pháp phòng bệnh tôm nuôi trong mùa mưa
         Theo dự báo thời tiết của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Sóc Trăng: Thời tiết các nơi trong tỉnh phổ biến sẽ có mưa, mưa rào ở diện rải rác đến nhiều nơi; nhưng sẽ tập trung nhiều vào tuần giữa và cuối tháng 07/2024, rải rác có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông mạnh. Tuy nhiên thời gian mưa tập trung nhiều vào trưa, chiều nên ngày vẫn có nắng. Trong tháng 07/2024 có khoảng 25 – 28 ngày có mưa. Tổng lượng mưa phần lớn ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN), một vài nơi cao hơn TBNN. Lượng nước bốc hơi và tổng số giờ nắng ở mức thấp hơn so với TBNN cùng thời kỳ. Tổng lượng mưa tháng: 250,0 – 350,0mm, phần lớn ở mức xấp xỉ TBNN cùng thời đoạn, một vài nơi cao hơn TBNN.  Nhiệt độ trung bình: 27,0 – 28,0oC, cao nhất 34,0– 35,0oC, thấp nhất 23,0 – 24,0 oC;
         Tính đến ngày 08/7/2024, diện tích thả tôm trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên được 15.845,4 ha, đạt 84,28% so kế hoạch (18.800 ha). Hiện nay, do ảnh hưởng của mưa, nắng bất thường, xen kẽ dẫn dẫn đến các yếu tố môi trường ao nuôi biến động như: độ mặn, pH, độ kiềm giảm, khí độc (H2S, NH3, NO3,…) tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho một số bệnh trên tôm dễ phát triển. Kết quả xét nghiệm bệnh của 103 mẫu tôm nuôi bị thiệt hại trên địa bàn huyện: có 39 mẫu dương tính vi bào tử trùng (EHP), 17 mẫu dương tính với hội chứng hoại tử gan tụy cấp (AHPNS), 01 mẫu dương tính bệnh đốm trắng (WSSV), 02 mẫu dương tính với hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô (IHHNV). Trước những tác động bất lợi của thời tiết trong mùa mưa và tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi còn tiềm ẩn. Để giảm tỷ lệ tôm thiệt hại, góp phần cho vụ tôm năm 2024 được thành công. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mỹ Xuyên khuyến cáo người nuôi một số giải pháp phòng bệnh cho tôm trong thời điểm hiện nay:
         1. Đối với diện tích đang có tôm
         - Duy trì mực nước hợp lý nhằm hạn chế sự biến động của các yếu tố môi trường khi trời mưa; thường xuyên kiểm tra và duy trì các yếu tố môi trường trong ao nuôi ở mức thích hợp và ổn định (pH: 7.5 – 8.5, độ kiềm: 80 – 120mg/L, độ trong: 30 – 35cm, các khí độc: không có hoặc trong ngưỡng cho phép...) đặc biệt đảm bảo duy trì nồng độ ôxy > 4 mg/l; 
         - Quản lý tốt chất thải trong ao (phân tôm thải ra, tảo tàn, thức ăn thừa, xác vỏ tôm lột...) bằng cách xi phong đáy định kỳ (nếu có điều kiện) hoặc dùng men vi sinh xử lý đáy ao định kỳ 3-5 ngày/lần, nhằm làm sạch môi trường ao nuôi hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh;
         - Định kỳ lấy mẫu nước ao nuôi hoặc mẫu tôm kiểm tra mật độ vi khuẩn Vibrio với tần suất 3-5 ngày/lần. Nếu thấy mật độ vi khuẩn vượt ngưỡng giới hạn cho phép cần tiến hành thay nước và/hoặc diệt khuẩn; 
         - Bổ sung men tiêu hóa, Vitamin C vào thức ăn giúp tôm tiêu hóa tăng cường sức đề kháng;
         - Hàng ngày theo dõi sự biến động của màu nước, các hoạt động của tôm, kết hợp kiểm tra sàn ăn để theo dõi sức khỏe của tôm;
         - Thực hiện lắng, lọc và xử lý nước thật kỷ trước khi cấp vào ao nuôi;
         - Khi tôm bệnh bị thiệt hại cần tiến hành thu hoạch ngay; dùng thuốc diệt khuẩn (chlorine, formol, thuốc tím….) trước khi xả nước bỏ để khử trùng, hoặc thả cá rô phi, cá điêu hồng, cá trê.... để xử lý môi trường, hạn chế lây nhiễm;
         - Thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin diễn biến về môi trường, thời tiết, dịch bệnh để chủ động trong sản xuất.
         2. Đối với diện tích chưa thả giống
         - Để đảm bảo sản xuất một vụ tôm- một vụ lúa bền vững, đối với diện tích chưa thả giống nên tranh thủ thả giống dứt điểm trước ngày 11/7/2024 dương lịch (nhằm ngày 06/6 âm lịch). 
         - Không bỏ đất trống, có thể thả nuôi với mật độ thấp để giảm chi phí và thu hoạch đạt được kích cỡ lớn, tăng lợi nhuận. Nếu không đủ điều kiện thả nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, thì chọn thả nuôi một số đối tượng thủy sản khác với chi phí đầu tư thấp như: cua, tôm càng xanh, cá điêu hồng,...
         - Nếu thả nuôi tôm nước lợ (Sú, Thẻ) cần đặc biệt quan tâm chọn tôm giống sạch bệnh, vì dịch bệnh trên tôm giống đang diễn biến phức tạp. Theo kết quả giám sát dịch bệnh tại các trại giống: thu  26 mẫu tôm giống trên địa bàn huyện, có 06 mẫu dương tính vi bào tử trùng (EHP), 01 mẫu dương tính với Hội chứng hoại tử gan tụy cấp (AHPNS), 03 mẫu dương tính với hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô (IHHNV).Vì thế người nuôi cần chọn lựa những lô tôm giống đã qua kiểm dịch của cơ quan chức năng có thẩm quyền (có giấy chứng nhận kiểm dịch)./.
Tăng Thanh Chí - Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1478143