Lượt xem: 208
Kế Sách: Tình trạng sạt lở bờ sông, đê còn diễn biến phức tạp
Huyện Kế Sách có hơn 20km tiếp giáp với sông Hậu, do vậy trên địa bàn huyện có hệ thống kênh rạch chằng chịt. Theo đó, có 10 tuyến kênh chính (mặt kênh rộng từ 22 đến 70 m) với chiều dài gần 90 km, gồm: Kênh Cái Côn Lớn, Kênh Cái Côn Bé, Kênh Rạch Vọp, Kênh Mương Khai, Kênh Cái Cao, Kênh Cái Trâm, Kênh Số I, Kênh Rọc Ngay, Kênh 30/4, Kênh Ba Rinh và 282 kênh cấp 2: (có mặt kênh trên 6m) có tổng chiều dài 650 km. Trên địa bàn huyện Kế Sách còn có hệ thống đê cồn với chiều dài 78km thuộc các cồn Phong Nẫm, An Tấn, An Công và Mỹ Phước.

Qua thống kê, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện trung bình mỗi năm sạt lở với tổng chiều dài 2km, sạt sâu vào bờ bao, đê cồn, đường đan, vườn cây ăn trái từ 3 mét đến 10 mét; diện tích đất bị mất do sạt lở, sụt lún khoảng 01 ha/năm. Theo các chuyên gia, do lượng phù sa từ thượng nguồn đổ về ngày càng giảm khiến tốc độ dòng chảy tăng, lòng sông không được bồi đắp phù sa dẫn đến bờ sông bị xâm thực ngày càng mạnh, hậu quả là tình trạng sạt lở ngày càng nhiều. Các kênh lớn “sông sâu, nước chảy” như Kênh Số I, Kênh Cái Trâm, Kênh Rạch Vọp, Rạch Phụng An tình trạng sạt lở xảy ra ngày càng thường xuyên. Tương tự, hệ thống đê cồn ngày càng sạt lở nghiêm trọng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, sạt lở ven sông, kênh, rạch, đê cồn tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo đó, đã xảy ra sạt lở 55 đoạn, chiều dài sạt lở 1.393 mét. Chia ra, sạt lở bờ bao, đường đan trong đất liền 43 đoạn, chiều dài 1.124 mét; sạt lở đê cồn 12 đoạn, chiều dài 269 mét. Sạt lở khiến 07 căn nhà phải di dời khẩn cấp, rất may không có thiệt hại về người. Trong đó, Khu di tích lưu niệm Anh hùng lực lượng vũ trang -  liệt sỹ Thiều Văn Chỏi tại xã Ba Trinh sạt lở với chiều dài 40m, Đình thần xã Xuân Hòa sạt lở chiều dài 70m; 2 đoạn trên sạt lở lớn, cần đầu tư bằng kè bê tông, kinh phí lớn nên huyện đã đề xuất tỉnh hỗ trợ đầu tư gia cố.  Đồng thời, các đoạn đê bao thuộc cồn Phong Nẫm, An Tấn và An Công cần được kè đá, suất đầu tư lớn nên tỉnh đang có kế hoạch hỗ trợ đầu tư xây dựng.

 

Nhằm giảm thiểu thiệt hại do sạt lở, trước khi vào mùa mưa hằng năm, các xã, thị trấn đều chủ động rà soát, huy động nguồn lực tại chỗ để bồi trúc, gia cố các điểm, đoạn bờ bao, đê cồn xung yếu, có nguy cơ sạt cao trên địa bàn. Thường xuyên vận động người dân tạo hệ thống “kè mềm” bằng cách trồng các loại cây như bần, cà na, bao lưới nuôi lục bình để giảm thiểu sạt lở bờ sông, đê cồn.

Khi xảy ra sạt lở, các cơ quan liên quan cấp huyện và Ủy ban nhân dân các xã khẩn trương khảo sát hiện trường sạt lở, huy động lực lượng tại chỗ thực hiện việc khắc phục tạm thời ở những đoạn có thể gia cố bằng thủ công, gắn biển cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông và vận động hộ dân phát quang, che chắn tạm. Huyện đã huy động các nguồn lực gia cố, nâng cấp bờ bao để ngăn lũ, triều cường; khắc phục các đoạn sạt lở theo mức độ ưu tiên của tính cấp thiết. Tuy nhiên, do tình trạng sạt lở nhiều nên hàng năm đều có sự hỗ trợ kinh phí khắc phục từ tỉnh.

Về lâu dài, để chủ động ứng phó với tình trạng sạt lở, thiết nghĩ cần có dự án khảo sát, đánh giá tổng thể khu vực có nguy cơ sạt lở. Theo đó, khảo sát chi tiết, đánh giá tổng thể địa chất, dòng chảy; từ đó, phân loại mức độ nguy cơ, đề xuất các giải pháp chi tiết để phòng tránh, giảm thiểu hậu quả và nguy cơ do sạt lở gây ra./.  

Vũ Bá Quan - Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1525404