Lượt xem: 112
Giáo sư Võ Tòng Xuân với nông nghiệp, nông dân và nông thôn Sóc Trăng
    Giáo sư Tiến sĩ (GSTS) Võ Tòng Xuân – sau đây xin được gọi theo cách thân mật là Thầy Xuân, có rất nhiều hoạt động gắn bó với nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
    Thầy Xuân gắn bó rất sớm với đồng đất và con người Sóc Trăng, đó là việc nhân giống lúa kháng rầy nâu bằng phương pháp cấy 1 tép/ bụi tại huyện Mỹ Xuyên để có nguồn giống kháng rầy nâu nhằm “dập tắt” đại dịch rầy nâu năm 1977-1978. GSTS Võ Tòng Xuân và kỹ sư Hồ Quang Cua đã cùng gắn bó mật thiết với cây lúa từ trận “đại dịch rầy nâu” này.
    Sau khi đại dịch rầy nâu được chặn đứng, Thầy Xuân tiếp tục gắn bó với nông thôn Sóc Trăng trong việc nghiên cứu, đề xuất mô hình sản xuất phù hợp để “giải phóng” sức sản xuất nông nghiệp. Tiếp cận thực tiễn, lắng nghe tâm tư từ nông dân trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), từ năm 1979, Thầy Xuân đã âm thầm “xé rào”, bày cách cho một số tập đoàn sản xuất - điển hình nhất là Tập đoàn sản xuất số 9 ấp Lung Đen, xã Kế An, huyện Kế Sách (tỉnh Hậu Giang, nay là Sóc Trăng) thực hiện sản xuất theo kiểu “khoán sản phẩm”, tức là giao đất lại cho chủ cũ sản xuất trực tiếp, sau đó nộp lúa nghĩa vụ. Được canh tác ngay trên mảnh đất “gia bảo từ bao đời” lập tức tạo ra sức sống mới cho đồng đất, sức sản xuất được giải phóng. Nhà nông dồn hết công sức chăm sóc đồng ruộng nên năng suất lúa tăng “ngoạn mục”. Kết quả là cuối năm, tất cả thành viên của Tập đoàn chẳng hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước, mà còn có lúa dư chứa đầy bồ. Từ mô hình của Thầy Xuân và một số mô hình tương tự khác, Trung ương đã đúc kết và ban hành Chỉ thị số 100, sau này, nhiều người gọi gọn là “khoán 100”. Đây là tiền đề, là động lực để các nhà khoa nông học phát huy trí tuệ, cùng nhà nông làm nên cuộc cách mạng cho lúa gạo sau này.
    Gắn bó lâu dài và đem lại thành công nổi bật nhất là chặng đường hơn 30 năm hình thành thương hiệu lúa thơm Sóc Trăng.Hành trình chọn tạo ra giống lúa thơm ST đã ghi những dấu mốc gắn bó của Thầy Xuân với Sóc Trăng nói chung và với Anh hùng lao động (AHLĐ) Hồ Quang Cua nói riêng (Hình 1). Thầy Xuân để ý thấy giống lúa ngon nhất của Thái Lan là giống Hom Mali, trồng ở vùng Đông Bắc Thái Lan là vùng đất nhiễm mặn do quặng muối nằm sâu dưới đất mặt; giống Nàng Thơm Chợ Đào của Việt Nam cũng là giống trồng ở vùng nước lợ Chợ Đào, thì nếu có giống ngon thơm mới của Việt Nam thì hành trình tìm giống lúa thơm ngon phải hướng về vùng đất lúa nhiễm mặn ở Sóc Trăng, Bạc Liêu. Mối tri giao, ý hợp giữa Thầy Xuân và AHLĐ Hồ Quang Cuabắt nguồn từ tâm huyết chọn tạo ra giống lúa thơm ngon mới của Việt Nam nói chung và vùng đất lúa ven biển ĐBSCL nói riêng. Thầy Xuân đã tặng cho tỉnh Sóc Trăng một ít giống lúa thơm lấy từ ngân hàng giống lúa của Viện IRRI, trong đó có giống Khao Dawk Mali (KDM). Thầy Xuân còn hỗ trợ kinh phí để anh em cán bộ kỹ thuật Sóc Trăng quản lý, sản xuất nhân giống lúa mới.
    Giống lúa ST24, ST25 cho gạo đạt chuẩn hạt dài, trắng trong, cơm dẻo vừa và có hương thơm. Giống lúa ST24, ST25 có đặc điểm nổi bật là ngắn ngày (100-105 ngày) so với giống lúa của Thái rất dài ngày (khoảng 150 ngày), năng suất cao. Đây là “quả ngọt” tất yếu của quá trình lai tạo và chọn lọc từ hàng chục dòng gạo thơm ST do kỹ sư Hồ Quang Cua dày công nghiên cứu trong nhiều năm qua. Trong đó, gạo ST24 được vinh danh đạt Top 3 Gạo ngon nhất thế giới năm 2017; gạo ST25 hai lần được vinh danh là Gạo ngon nhất thế giới trong các năm 2019 và 2023.
    Khi nhóm của AHLĐ Hồ Quang Cua chọn được giống ST24, ST25, Thầy Xuân đã làm tư vấn kỹ thuật để xây dựng Đề án “Xây dựng thương hiệu gạo Sóc Trăng”. Thầy Xuân cũng là cầu nối để cán bộ của tỉnh Sóc Trăng sang Campuchia tham khảo cách các chuyên gia Úc và Pháp giúp Bộ Nông nghiệp Campuchia và các doanh nghiệp tư nhân Campuchia xây dựng thương hiệu gạo ngon từ khâu tuyển chọn, lấy giống tốt nhất trong số những giống lúa cổ truyền, rồi nhân giống để chuyển giao cho nông dân trong hệ thống hợp tác xã nông nghiệp Campuchia; cải tiến hoặc xây dựng mới một số nhà máy xay xát lúa gạo, đóng gói bao bì đưa đi triển lãm tại hội nghị quốc tế về lương thực – thực phẩm ThaiFex tại Thái Lan. Đề án của Sóc Trăng cũng được Canada tài trợ kinh phí tham gia hội chợ ThaiFex vào tháng 5/2016 để học tập kinh nghiệm giới thiệu gạo ngon đến khách hàng lớn (chuối siêu thị, chuỗi nhà hàng khách sạn).
    Với huyện Kế Sách, vùng cây ăn tráichính của tỉnh Sóc Trăng, Thầy Xuân luôn quan tâm hỗ trợ nhà vườn phát huy lợi thế “đất nào, câynấy”. Thầy Xuân phân tích cho nông dân không nhất thiết phải “bám trụ” với cây lúa mà phải chọn những nông sản có giá trị cao để sản xuất vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường vừa phù hợp với điều kiện tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu. 
    Thầy Xuân rất tâm đắc với mô hình hợp tác xã (HTX) trong nông nghiệp, luôn khuyến khích nhà vườn tham gia các tổ chức nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác) để có thể sản xuất trái cây với sản lượng lớn, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn thị trường đầu ra. Thầy Xuân đã hỗ trợ thành lập HTX cung cấp cây giống Mỹ Lợi (xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách) vào năm 2021 (Hình 2a); tư vấn và hỗ trợ thành lập HTX Trinh Lợi (xã Ba Trinh, huyện Kế Sách) năm 2022 (Hình 2b). 
Đối với nông dân trồng lúa, Thầy Xuân luôn căn dặn phải canh tác “sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm” để cứu đất và bảo vệ sức khỏe. Thầy Xuân đã định hướng cho nông dân trồng lúa là trồng giống chất lượng cao nhất mà giá thành rẻ nhất, để có nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến ra sản phẩm tốt. Từ đó, đăng ký thương hiệu rồi bán với giá cao, tiền lời đó sẽ có phần cho nông dân hưởng. Ở tuổi ngoài 80, Thầy Xuân sẵn sàng đến với nông dân Sóc Trăng để tư vấn, hỗ trợ về nhiều mặt nhằm giúp nông dân trồng lúa sản xuất an toàn, hiệu quả và bền vững.
Hình: Thầy Xuân gửi lẵng hoa chúc mừng lễ ra mắt Hợp tác xã Trinh Lợi
    GSTS Võ Tòng Xuân đã đi xa nhưng di sản mà Thầy để lại sẽ luôn là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ các nhà khoa học, sinh viên và nhà nông trong việc theo đuổi ước mơ và cống hiến cho sự nghiệp khoa học nói chung và tam nông nói riêng./.
Vũ Bá Quan - Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1525299