Lượt xem: 129
Sơ kết Dự án Phát triển sản xuất lúa đặc sản giai đoạn 2022-2025 và Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản giai đoạn 2023-2025
    Căn cứ Quyết định số 3837/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Dự án phát triển sản xuất lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 –2025 và Quyết định số 1963/QĐ-UBND ngày 09 tháng 8 năm 2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng về việc phê duyệt Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023-2025.  Sáng ngày 25/9/2024, tại hội trường Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng tổ chức họp sơ kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện hai dự án nói trên nhằm đưa ra những giải pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
    Đến dự và chủ trì hội nghị có sự góp mặt của đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng - chủ trì cuộc họp; đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sóc Trăng; đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT; Phòng Kinh tế; Trạm Trồng trọt và BVTV các huyện, thị xã, thành phố; đại diện hợp tác xã nông nghiệp và các đồng chí là thành viên của hai ban quản lý dự án.

Đại diện thành viên Ban Quản lý Dư án Phát triển lúa đặc sản báo cáo đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án

    Sau phần báo cáo kết quả đánh giá tình hình triển khai thực hiện dự án Phát triển sản xuất lúa đặc sản giai đoạn 2022-2025 và dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản giai đoạn 2023-2025, một số đại biểu đi đến thảo luận và đóng góp một số ý kiến đã được ghi nhận tại cuộc họp: Thứ nhất, đối với mô hình lúa đặc sản cho thấy tư duy trong canh tác của bà con nông dân đã và đang dần thay đổi, chọn nhóm giống lúa đặc sản, chất lượng cao dùng để sản xuất, giảm lượng giống trong gieo sạ và tín hiệu vui là giá lúa ngày càng khởi sắc đặc biệt đối với nhóm giống lúa thơm ST. Nhằm tiếp tục tuyên truyền và lan tỏa hiệu quả từ mô hình mang lại, một số địa phương đề xuất Ban quản lý dự án tiếp tục hỗ trợ một phần giống cho nông dân để duy trì và nhân rộng ở các vụ tiếp theo; Thứ hai, xây dựng kế hoạch cấp mã số vùng trồng (cả cây lúa và cây ăn trái) khi bắt đầu triển khai thực hiện mô hình; Thứ ba, tăng cường tập huấn nâng cao năng lực, kinh doanh cho hợp tác xã ở cả hai nhóm lúa đặc sản và cây ăn trái đặc sản; Thứ tư, tiếp tục kêu gọi các công ty, doanh nghiệp, nhà đầu tư ký kết tiêu thụ sản phẩm nhằm xúc tiến xuất khẩu các loại trái cây đặc sản ra thị trường uy tín trong và ngoài nước.

Đại diện thành viên Ban Quản lý Dự án Phát triển Cây ăn trái đặc sản báo cáo tình hình triển khai thực hiện Dự án

   Tại hội nghị, đại diện hợp tác xã nông nghiệp Tân Hưng Phú – một trong những hợp tác xã được chọn thực hiện ứng dụng phần mềm FaceFarm trong ghi chép nhật ký sản xuất điện tử, giúp truy xuất nguồn gốc sản xuất và xây dựng bản đồ canh tác lúa. Với mong muốn xây dựng được thương hiệu gạo ST riêng cho Hợp tác xã trong thời gian tới, nông dân rất cần sự ủng hộ và hỗ trợ từ phía lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cũng như Ban quản lý dự án phát triển sản xuất lúa đặc sản.

Đại diện Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hưng Phú phát biển ý kiến tại cuộc họp

     Kết luận buổi họp sơ kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện hai Dự án Phát triển sản xuất lúa đặc sản và Phát triển cây ăn trái đặc sản, đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng phát biểu ý kiến, trong quá trình thực hiện dự án bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua cũng gặp không ít những khó khăn, hạn chế từ Dự án giai đoạn trước để lại, kinh phí phê duyệt chậm, tiến độ xuống giống, lịch mùa vụ của địa phương. Để kế hoạch triển khai thực hiện dự án hàng năm tiếp tục được thực hiện đảm bảo mục tiêu và tiến độ năm tài chính thì rất cần sự khẩn trương, phối hợp và đóng góp từ phía địa phương, các đơn vị Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế ở các huyện, Thị xã, thành phố, các Hợp tác xã nông nghiệp, đặc biệt là nông dân - người trực tiếp thụ hưởng từ hai dự án. 
    Đối với Dự án Phát triển sản xuất lúa đặc sản, trong quá trình triển khai thực hiện thì cần quan tâm thực hiện các chỉ tiêu giảm giống, giảm lượng phân đạm, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật và áp dụng biện pháp quản lý tưới ngập khô xen kẽ nhằm lồng ghép vào mô hình thực hiện “Đề án Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Đối với Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản đang xin chủ trương phê duyệt kinh phí thực hiện năm 2024, để kịp thời triển khai đến bà con nông dân. Trong quá trình triển khai thực hiện rất cần sự hỗ trợ của địa phương, quan tâm, xem xét thời điểm xuống giống cây trồng cho hợp lý.

Đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng phát biểu kết luận cuộc họp

    Gần đây, Nghị định số 112/2024/NĐ-CP ngày 11/9/2024 của Chính phủ quy định chi tiết về đất trồng lúa đã được ban hành. Để những chính sách hỗ trợ, đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất và chất lượng cao đến bà con nông dân kịp thời, rất mong các địa phương sớm tham mưu xây dựng vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất và chất lượng cao để làm cơ sở cho Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện Nghị định./.
Bùi Thị Thu Ngọc - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1525303