Lượt xem: 1261
Hiệu quả lớn đem lại từ một sáng kiến nhỏ
Đó là sáng kiến bao trái vú sữa bằng túi nylon trong thay cho bao bằng túi vải xốp không dệt (gọi tắt là túi vải) để phòng ruồi đục trái, tạo ra sản phẩm vú sữa an toàn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ruồi đục trái là đối tượng gây hại quan trọng làm giảm năng suất và chất lượng trái vú sữa; đặc biệt, ruồi đục trái là đối tượng kiểm dịch nghiêm ngặt của các nước nhập khẩu. Để quản lý ruồi đục trái, trước đây nhà vườn bao trái bằng túi vải. Tuy nhiên, bao trái bằng túi vải tốn nhiều chi phí, trái vẫn có nguy cơ bị ruồi đục trái tấn công; tốn nhiều công để bao trái; bao trái bằng túi vải còn gặp khó khăn trong xác định mức độ chín của trái nên khi thu hoạch tốn nhiều công sức để lựa trái đúng độ chín. Do vậy, nhà vườn chưa mạnh dạn bao trái bằng túi vải.
    Tiêu chuẩn về trái vú sữa của nhà nhập khẩu và thị trường chất lượng cao trong nước là trái vú sữa không bị nhiễm ruồi đục trái, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, trái phải đạt trọng lượng từ 200 gram/trái trở lên, mẫu mã đẹp.
    Việc bao trái bằng túi nylon trong đáp ứng được các tiêu chuẩn trái vú sữa xuất khẩu và thị trường chất lượng cao trong nước nêu trên; đồng thời, được nhà vườn ủng hộ nhờ chi phí thấp, dễ áp dụng, phù hợp điều kiện canh tác của nông dân.
    Phát biểu tại sự kiện khai trương cơ sở sơ chế trái cây xuất khẩu tại huyện Kế Sách, ông Nguyễn Đình Tùng –Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu VINA T&T cho biết rất vui khi thấy thành viên các hợp tác xã (HTX) đã có sự tiến bộ nhanh chóng về canh tác cây vú sữa trong thời gian qua, tỷ lệ trái đạt được các tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng cao nhờ bao trái vú sữa bằng túi nylon trong. Đặc biệt, ông Tùng khi thăm vùng trồng vú sữa tại xã Trinh Phú (huyện Kế Sách) đã rất ngạc nhiên và thích thú khi thấy việc bao trái vú sữa bằng túi nylon trong được thực hiện với năng suất cao (2.400 trái/ngày) bằng dụng cụ đơn giản bởi các nữ lao động trong HTX.
Dụng cụ bao trái cải tiến
Trái vú sữa bao túi nilong
    Phân tích về hiệu quả kinh tế đem lại từ việc bao trái vú sữa bằng túi nylon tại hợp tác xã từ năm 2018 đến nay, cho thấy:
    Bao trái 01 kg trái vú sữa thành phẩm (tương đương 4 trái) bằng túi nylon trong so với bao bằng túi vải, giảm được chi phí mua túi bao trung bình là 1.350 đ/kg (giảm 87,50%), giảm công bao trái 83 đ/kg (giảm 17%), giảm chi phí thu hoạch 310 đ/kg (giảm 19,87%). Chi phí bao bằng túi nylon trong giảm là do: Túi nylon trong có giá rẻ hơn nhiều so với túi vải; thao tác bao trái (bằng dụng cụ cải tiến) nhanh hơn; bao trái bằng túi nylon trong người thu hoạch có thể dễ dàng quan sát được độ chín của trái nên thu hoạch nhanh hơn, thu hoạch đúng độ chín theo yêu cầu của người mua. Bên cạnh đó, trái được bao bằng túi nylon trong có mẫu mã đẹp (bóng hơn), năng suất tăng 13,64%, tương đương tăng thêm 2.728 đ/kg so với bao trái bằng túi vải do trái có thể nhận đầy đủ ánh sáng, trái không bị mất nước.
    Nhà vườn bao trái vú sữa bằng túi nylon trong vừa giảm chi phí vừa tăng thu do tăng năng suất; do đó, tổng lợi nhuận tăng thêm 4.471đ/kg trái thành phẩm so với bao túi vải. Sự hấp dẫn do tăng lợi nhuận đã khiến nhà vườn mạnh dạn áp dụng sáng kiến bao trái bằng túi nylon trong.
    Đối với nhà vườn cung ứng vú sữa để xuất khẩu và phân khúc thị trường chất lượng cao thì việc bao trái bằng túi nylon trong càng có ý nghĩ hơn: Doanh nghiệp yên tâm, không sợ hàng bị hủy do nhiễm ruồi đục trái hay thuốc bảo vệ thực vật; mã số vùng trồng được bảo vệ, uy tín của doanh nghiệp và nhà vườn được nâng lên.
    Với hiệu quả rõ rệt từ thực tế ứng dụng sáng kiến bao trái bằng túi nylon trong, số hộ, diện tích áp dụng sáng kiến ngày càng tăng một cách nhanh chóng: Từ vài hộ áp dụng trong niên vụ 2018-2019, đến nay đã có 162 hộ với diện tích 156 ha, sử dụng 16.000 kg túi bao, cho sản lượng trái được bao là 3.200 tấn.
    Trong thời gian tới, khi được doanh nghiệp khuyến khích và thu mua với sản lượng ngày càng tăng, chắc chắn sáng kiến bao trái vú sữa bằng túi nylon trong sẽ tiếp tục lan nhanh tại các vùng trồng vú sữa của huyện Kế Sách./.
Vũ Bá Quan - Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách
Thông báo - hướng dẫn



















số lượt truy cập
  • Tất cả: 1332801